Cần điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra để đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Ảnh: NC st |
Xu hướng thanh tra, kiểm tra DN gia tăng
Theo phản ánh của cộng đồng DN, năm 2022, hoạt động thanh tra, kiểm tra có xu hướng mở rộng và với tần suất thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, hoạt động này thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước. TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, thực tế này đã gây tâm lý nặng nề cho DN, làm trầm trọng hơn sự khó khăn của DN.
Điển hình là gần đây, do một số vụ việc hoả hoạn gây thương vong tại cơ sở kinh doanh karaoke dẫn tới công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) được siết chặt đối với hàng loạt ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Theo đó, cơ quan công an thực hiện kiểm tra PCCC liên tục; nhiều DN đã và đang sản xuất, kinh doanh nhiều năm buộc phải tạm dừng hoạt động do không thể đáp ứng các yêu cầu ngặt nghèo về PCCC.
Tại cuộc họp HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII tổ chức mới đây, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhiều DN trên địa bàn có nguy cơ phá sản sau khi bị kiểm tra về công tác PCCC, do hệ thống PCCC được đầu tư chưa đồng bộ. Cụ thể, theo ông Đoan, trong hơn 100 DN tại Khu công nghiệp Tây Bắc Ga - TP. Thanh Hóa, có 72 DN vừa bị kiểm tra về công tác PCCC. Trong số 72 DN này, có gần 40 DN phải đóng cửa vì không đảm bảo quy định về PCCC.
Nhưng điều đáng nói, theo phản ánh của cộng đồng DN, quy định về điều kiện đảm bảo PCCC chưa khoa học; chưa phân loại theo mức độ rủi ro của ngành nghề sản xuất, kinh doanh; điều kiện quá khắc nghiệt và làm tăng chi phí quá mức cho DN.
Ở lĩnh vực xăng dầu, năm 2022 được xem là một năm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu trong nước, khi giá xăng dầu tăng cao theo giá xăng dầu thế giới, nguồn cung hạn chế, một số thời điểm đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ ở các địa phương. Do đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra lĩnh vực này cũng được đẩy mạnh. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong năm 2022, lực lượng quản lý thị trường thực hiện thanh tra, kiểm tra trên 2.650 vụ, xử lý trên 575 vụ.
Hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu cũng bị phản ánh còn nhiều bất cập, trong đó có bất cập do một số quy định về kiểm tra chất lượng hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa nhóm 2 chưa phù hợp, tạo gánh nặng chi phí rất lớn cho DN.
Tiếp tục chấn chỉnh để gỡ khó cho doanh nghiệp
Trước thực trạng thanh tra, kiểm tra DN có xu hướng gia tăng với nhiều dấu hiệu gây khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, TS. Nguyễn Minh Thảo cho rằng, cần phải chấn chỉnh hoạt động này. Theo đó, việc thanh tra, kiểm tra là để hướng dẫn DN thực thi pháp luật tốt hơn chứ không phải để gây khó cho DN.
Để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến, một trong những giải pháp trọng tâm để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đang được xây dựng rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra để đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo, không làm cản trở hoạt động bình thường của DN.
Bộ kiến nghị tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia theo hướng cắt giảm Danh mục hàng hóa nhóm 2 còn bất cập. Đồng thời, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng miễn kiểm tra chuyên ngành đối với các mặt hàng DN nhập khẩu số lượng nhỏ để sử dụng nội bộ, nhất là các sản phẩm đã chuẩn hóa cao…
Nhìn nhận về vấn đề thanh tra, kiểm tra đối với DN, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để hỗ trợ DN vượt qua những khó khăn, thách thức được dự báo sẽ rất lớn trong năm 2023, lãnh đạo cơ quan quản lý cần đặt niềm tin vào DN, người dân nhiều hơn và đồng hành cùng họ, bởi đây là điều DN cần nhất.