Cần chính sách đột phá để thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ đề ra cho ngành nông nghiệp năm 2023 là đạt được 55 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu. Đây là một thách thức lớn, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều bất ổn, thắt chặt chi tiêu, gây khó khăn cho thị trường đầu ra. Để đạt được mục tiêu đề ra cũng như thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững, nhiều ý kiến cho rằng, cần có những giải pháp đột phá để phá vỡ điểm nghẽn.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cả nước hiện có trên 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng chỉ có khoảng 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Mặc dù Long An đã có nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực như chuối, chanh, thanh long, lúa gạo… xuất khẩu sang các thị trường lớn và khó tính như Mỹ, châu Âu, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc…, song Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út nhận thấy, sự tăng trưởng vẫn còn thiếu bền vững, giá trị gia tăng còn thấp, hiệu quả sử dụng đất và tài nguyên chưa cao, đối mặt với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, biến động giá cả, thay đổi phương thức tiêu dùng…

Kinh tế thủy sản, tôm, các loại cá, nghêu…; kinh tế dừa… là thế mạnh và có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư tại Bến Tre, nhưng theo ông Nguyễn Trúc Sơn - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre, Tỉnh chưa có nhà máy chế biến, mới chỉ cung cấp nguyên liệu cho các tỉnh khác.

Thách thức chính của ngành nông nghiệp Việt Nam, ông Paul-Antoine Croize - Phó Chủ tịch Tiểu ban Thực phẩm, Nông nghiệp và Nuôi trồng Thủy sản thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) chỉ ra, đó là quy trình sản xuất sạch, ít độc hại; thiếu đầu tư vào mảng tiếp thị, xây dựng thương hiệu, chế biến sâu… Việt Nam đứng thứ nhất về lượng xuất khẩu hạt tiêu, nhưng chỉ đứng thứ 8 về giá xuất khẩu. Hơn 80% nông sản xuất khẩu của Việt Nam không có thương hiệu, logo, nhãn mác của Việt Nam.

So với yêu cầu và tiềm năng to lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam, tại Diễn đàn Phát triển Nông nghiệp Việt Nam 2023 với chủ đề “Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững” do UBND tỉnh Long An phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào chiều ngày 28/6, nhiều ý kiến cho rằng, dư địa đầu tư vẫn còn rất lớn, cần có nhiều doanh nghiệp hơn nữa tham gia đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp lớn.

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, hiệu quả, bền vững, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho rằng, chính các doanh nghiệp lớn là hạt nhân mở đường, là lực lượng nòng cốt dẫn dắt xây dựng chuỗi giá trị sản xuất. Vai trò của doanh nghiệp đã thể hiện rất rõ trong những năm gần đây khi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào ngành nông nghiệp đã mang lại những hiệu quả rõ nét, đưa giá trị và thương hiệu của sản phẩm Việt Nam không chỉ đáp ứng cho người tiêu dùng, mà còn “chinh phục” thị trường thế giới.

Việt Nam xác định nông nghiệp là lợi thế quốc gia và phát triển bền vững là xu thế tất yếu của thế giới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Israel đã có một ủy ban “vì thế hệ tương lai” để thẩm định các dự án có lấy đi cái gì của thế hệ tương lai hay không. “Để phát triển bền vững, cả doanh nghiệp và hộ nông dân đều phải phát triển cùng nhau, nếu đứt gãy 1 trong 2 thì sẽ không bao giờ có bền vững. Các địa phương khi thu hút “đại bàng” thì cũng đừng nên quên những con “chim sẻ” là hợp tác xã, hộ nông dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cần nâng cánh “chim sẻ” để tạo hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp tổng thể”, ông Hoan nói.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhiều ý kiến cho rằng, nông nghiệp, kinh tế nông thôn đang phát sinh một số yếu tố và yêu cầu phát triển mới, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nông nghiệp để có thể chủ động và đủ khả năng hòa nhập khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) được thực thi đầy đủ.

Một trong những rào cản hiện nay, theo ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, là thuế bảo hộ. Nếu các nước lớn không sử dụng quyền thương lượng quá lớn đối với các quốc gia nhỏ, thì Việt Nam hoàn toàn có thể có con số xuất khẩu gạo tốt hơn nữa.

Trong xây dựng chính sách phát triển nông nghiệp, ông Võ Quang Huy - Công ty TNHH Huy Long An cho rằng, Nhà nước cần quan tâm đến lợi ích của người nông dân nuôi trồng nhỏ lẻ như dẫn dắt, xây dựng đầu mối hợp tác, tìm kiếm kênh đầu tư ổn định… Đồng thời cần có chính sách khuyến khích nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất.

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, một số nước đã thành lập ủy ban phát triển để đánh giá mức độ ảnh hưởng tới tương lai. Do vậy, muốn phát triển bền vững, trước tiên cần phải thay đổi tư duy, chuyển mục tiêu từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, từ “tìm kiếm thị trường” sang “nghiên cứu thị trường” để hướng tới “nông nghiệp đặt hàng”…

“Việc chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, có sức cạnh tranh cao chính là bước đột phá về tư duy và cách làm nông nghiệp”, ông Phạm Tấn Công đánh giá.

Để thúc đẩy đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang sửa đổi Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Để đạt được mục tiêu đề ra, ông Lê Minh Hoan đề nghị chính quyền các địa phương cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng mở; có chính sách ưu đãi cho các khu nông nghiệp công nghệ cao để phát huy lợi thế địa phương, vừa khuyến khích nông dân áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Về giải pháp triển khai hiệu quả kết nối giao thương, ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM nhấn mạnh tới vai trò hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long thông qua các hình thức như kết nối trực tuyến, phát huy các giải pháp ứng dụng thương mại điện tử… Các địa phương cần đẩy mạnh kết nối, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, thiết lập kênh phân phối trực tuyến, định hướng xuất khẩu hàng hóa đặc trưng của địa phương.