Cần ngăn chặn tình trạng đầu tư “chui” để gian lận xuất xứ

(BĐT) - Hầu như địa phương nào cũng có tình trạng đầu tư chui, đầu tư núp bóng các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây là một trong những cách thức để thực hiện gian lận xuất xứ hàng hóa. Do đó, cùng với kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu cần có bộ lọc để lựa chọn các nhà đầu tư.
Có tình trạng DN nhập khẩu mặt hàng gỗ nhưng khai báo là sản xuất trong nước. Ảnh minh họa: Internet
Có tình trạng DN nhập khẩu mặt hàng gỗ nhưng khai báo là sản xuất trong nước. Ảnh minh họa: Internet

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành tài chính sáng 12/7.

Không khoan nhượng với đầu tư chui

Thủ tướng vừa ký ban hành Quyết định 824/QĐ-TTg ngày 4/7 phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ". Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cơ quan thuế và cơ quan hải quan phải phối hợp để tạo thuận lợi thương mại nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, song đồng thời cũng phải ngăn chặn gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa.

Phó Thủ tướng chỉ đạo cơ quan hải quan tăng cường kiểm soát tạm nhập tái xuất, chuyển kho ngoại quan khi đang có dấu hiệu tăng lên. Đặc biệt là tình trạng lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các thị trường khác cần xử lý nghiêm.

“Chúng ta cần có bộ lọc để lựa chọn các dự án đầu tư nước ngoài có công nghệ tốt, đáp ứng các yêu cầu về an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường. Đấu tranh quyết liệt không khoan nhượng với hiện tượng đầu tư chui, đâu tư núp bóng của các doanh nghiệp FDI. Sắp tới, Bộ Chính trị sẽ ban hành nghị quyết có nhấn mạnh nội dung này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đã phát hiện tình trạng xác nhận khống

Cũng tại hội nghị này, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 7, Tổng cục Hải quan sẽ báo cáo chi tiết các vụ gian lận về xuất xứ Việt Nam, bao gồm cả tình trạng hàng nhập khẩu giả mạo xuất xứ Việt Nam để lừa người tiêu dùng. Đồng thời, sẽ báo cáo cả vụ hàng giả xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi vào các nước mà Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan như gỗ, sắt thép…

“Qua điều tra cho thấy, việc gian lận xuất xứ hàng hóa được thực hiện với nhiều thủ đoạn tinh vi. Chẳng hạn, có tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng gỗ nhưng khai báo là sản xuất trong nước, cơ quan Hải quan đã điều tra và chứng minh là hàng không sản xuất trong nước mà được nhập khẩu về. Doanh nghiệp khai mua của nông lâm trường, mua của hộ nông dân, có xác nhận của chính quyền cấp xã, cấp huyện nhưng qua điều tra cho thấy, hàng không phải được sản xuất trong nước. Do đó, cấp xã và các đơn vị này đã phải ký vào biên bản là không bán cho doanh nghiệp”, ông Cẩn nói.

Từ thực tế đó, cơ quan hải quan đã đề nghị UBND các tỉnh cũng như các lực lượng tăng cường kiểm tra việc xác nhận khống đối với các doanh nghiệp liên quan đến sản phẩm xuất khẩu.

“Việc gian lận xuất xứ hàng Việt để xuất đi các thị trường Mỹ, Ấn Độ sẽ khiến Việt Nam có nguy cơ bị trừng phạt bằng các biện pháp kinh tế. Như đối với thép, Bộ Thương mại Mỹ vừa có tuyên bố áp thuế 456% đối với thép có nguồn gốc sản xuất từ Hàn Quốc, Đài Loan được vận chuyển về Việt Nam để gia công rồi xuất vào Mỹ”, ông Cẩn nêu rõ.

Tin cùng chuyên mục