Trong giai đoạn vừa qua, số lượng dự án BT chiếm hơn một nửa số dự án PPP đã triển khai. Ảnh: Lê Tiên |
Tuy nhiên, cách thức thực hiện phải thay đổi với khung pháp lý hoàn thiện hơn, để tránh lặp lại “vết xe đổ” của nhiều dự án BT đã thực hiện.
Bảo đảm áp dụng triệt để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư
Ngày 5/8/2019, Dự án Luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã được Chính phủ thảo luận tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật.
Sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã xin ý kiến Chính phủ xem xét 2 phương án đối với hình thức đầu tư BT. Cụ thể, phương án 1 là tiếp tục thực hiện loại hợp đồng BT, hoàn thiện cơ chế này theo hướng cạnh tranh, công khai, minh bạch, phát triển được dự án (cả dự án BT và dự án đối ứng) theo quy hoạch, kế hoạch.
Với phương án 1, có 2 lựa chọn cách thức thực hiện. Thứ nhất, thực hiện đấu thầu kết hợp hai tiêu chí, nhà đầu tư chào đồng thời giá trị quỹ đất thanh toán và giá trị công trình BT. Giá trị quỹ đất được xác định tại hợp đồng. Lựa chọn này yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai: thời điểm xác định giá đất là khi ký hợp đồng. Lựa chọn thứ hai là đấu thầu dự án BT, nhà đầu tư ứng trước tiền giải phóng mặt bằng; sau khi thu hồi đất và giải phóng mặt bằng thì thực hiện đấu giá khu đất để thanh toán dự án BT. Lựa chọn này yêu cầu sửa Luật Ngân sách nhà nước: giữ lại tiền đấu giá đất để chi trả trực tiếp cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.
Phương án 2 là dừng triển khai đầu tư theo loại hợp đồng BT.
Theo Bộ KH&ĐT, qua lấy ý kiến, đa số bộ, ngành, địa phương đề nghị theo phương án 1. Trên thực tế, số lượng dự án BT chiếm hơn nửa số dự án PPP đã triển khai trong giai đoạn vừa qua (189 dự án BT/336 dự án PPP, với tổng vốn đầu tư khoảng 467.373 tỷ đồng). Do đó, nếu dừng triển khai thì cần phải có đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện, để tránh tạo sốc cho hệ thống cũng như mọi hệ lụy pháp lý cho các cấp chính quyền đại diện cho Nhà nước đã ký kết hợp đồng BT với các nhà đầu tư.
Thẩm tra về Dự án Luật, Văn phòng Chính phủ cũng đề nghị Chính phủ xem xét, thống nhất với phương án 1, theo đa số ý kiến thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị Bộ KH&ĐT rà soát kỹ quy định của Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công… để kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định liên quan, bảo đảm áp dụng triệt để hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Đồng thời có quy định giao Chính phủ quy định chi tiết việc triển khai thực hiện để bảo đảm tính khả thi.
Trước đó, tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cho ý kiến Dự án Luật PPP diễn ra ngày 29/7, Phó Thủ tướng đã giao Bộ KH&ĐT nghiên cứu, hoàn thiện phương án 1 theo hướng thực hiện đấu thầu dự án BT trên cơ sở kết hợp đồng thời hai tiêu chí: hiệu quả dự án BT và giá trị quỹ đất, tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư. Việc triển khai phải bảo đảm cạnh tranh, công khai, minh bạch, phát huy được nguồn lực, sức sáng tạo của khu vực tư cho phát triển dự án hạ tầng, tăng thu ngân sách nhà nước.
Trước khi có Luật, chờ tháo gỡ ở Nghị định
Theo tinh thần này, hình thức đầu tư theo loại hợp đồng BT có thể sẽ được quy định tại Dự thảo Luật PPP để trình Quốc hội cho ý kiến. Nếu được duy trì cùng với những thay đổi chặt chẽ, hợp lý hơn trong cách thức triển khai, hình thức BT có thể sẽ vẫn giúp các địa phương khai thác được nguồn lực đất đai, tài sản công để đầu tư hạ tầng một cách hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, trước khi Dự án Luật PPP được trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 8 tới, các địa phương vẫn đang rất trông chờ vào Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT để tháo gỡ vướng mắc hiện nay đối với các dự án đã ký hợp đồng, thậm chí đã thi công xong công trình BT. Theo nhiều địa phương, các dự án BT đang tạm dừng thanh toán để chờ hướng dẫn.
Bộ Tài chính đang tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Nghị định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Bộ Tài chính nhấn mạnh về tính pháp lý của việc sử dụng đất chưa giải phóng mặt bằng để thanh toán, được thực hiện theo đúng pháp luật về đất đai và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Bộ Tài chính cũng đã hoàn thiện Dự thảo bảo đảm nguyên tắc không hồi tố.
Về ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị bổ sung thêm hình thức thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT bằng tiền, Bộ Tài chính bổ sung theo hướng: Trường hợp bán đấu giá tài sản công để lấy nguồn thanh toán cho hợp đồng BT thì việc sử dụng số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Bộ KH&ĐT có trách nhiệm hướng dẫn về nội dung này.