Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Minh Thư |
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thông tin trước Quốc hội về tiến độ và tình hình giải ngân 2 dự án trọng điểm quốc gia này, sau khi nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về việc hai dự án đã được bố trí kinh phí hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng đến thời điểm này chưa giải ngân.
Cố gắng phê duyệt 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam trong năm nay
Về tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sau khi có ý kiến chính thức của Chính phủ, Bộ GTVT đã tiến hành đấu thầu tư vấn lập dự án. Dự án gồm 11 dự án thành phần, trong quá trình thực hiện tư vấn phải tiến hành khảo sát và làm rất nhiều công việc, như đánh giá tác động môi trường ảnh hưởng của dự án, phải thống nhất khung chính sách về đền bù giải phóng mặt bằng giữa các tỉnh mà dự án đi qua...
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin, đến thời điểm này, Bộ GTVT đã phê duyệt 5 dự án. 5 dự án còn lại đang trình Chính phủ, khi Chính phủ thống nhất Bộ GTVT sẽ phê duyệt dự án, dự kiến là vào đầu tháng 11 tới. Như vậy, đến đầu tháng 11 sẽ phê duyệt được 10 dự án, còn 1 dự án chậm là cầu Mỹ Thuận 2. Bộ GTVT cố gắng trong năm 2018 phê duyệt được hết 11 dự án thành phần.
Theo kế hoạch của Bộ, khoảng tháng 9/2019 mới hoàn thành được phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán. Công tác thi công tập trung vào năm 2020 và năm 2021. Riêng công tác giải phóng mặt bằng, Bộ sẽ tập trung đầu năm 2019 bàn giao các địa phương để tiến hành công tác kiểm đếm và giải phóng mặt bằng.
“Dự án này chúng tôi thực hiện đúng trình tự, thủ tục của pháp luật quy định và không được phép sai sót bất cứ khâu nào để làm sao đảm bảo công trình dự án vừa đảm bảo tiến độ theo quy định, đảm bảo chất lượng nhưng cũng phải đúng trình tự, thủ tục”, Bộ trưởng GTVT cho biết.
Về số vốn đã bố trí cho Dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tháng 1/2019, sau khi bàn giao mặt bằng cho các địa phương, các địa phương sẽ khẩn trương chọn từng đoạn đơn giản nhất để lập dự án trước và phê duyệt, lúc đó hơn 14.000 tỷ giải phóng mặt bằng mới bắt đầu chi trả. Hơn 27.000 tỷ đồng vốn Nhà nước tham gia vào Dự án phải sau khi đấu thầu chọn được nhà đầu tư tham gia 8 dự án vốn đối tác công tư thì mới bắt đầu chi trả theo tiến độ thực hiện.
Đầu tháng 11 phê duyệt dự án giải phóng mặt bằng Cảng HKQT Long Thành
Về Dự án Cảng HKQT Long Thành, Bộ trưởng GTVT cho biết, UBND tỉnh Đồng Nai đang khẩn trương hoàn thành dự án giải phóng mặt bằng để trình Chính phủ phê duyệt, sau khi phê duyệt mới bắt đầu tiến hành kiểm đếm và chi trả. Song song với đó, Bộ GTVT phải đấu thầu quốc tế để chọn tư vấn lập dự án khả thi cho sân bay quốc tế Long Thành.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin, dự kiến đầu tháng 11/2018, Chính phủ sẽ phê duyệt dự án giải phóng mặt bằng. Sau đó UBND tỉnh Đồng Nai căn cứ vào đó tiến hành kiểm đếm và sử dụng số tiền 23.000 tỷ đã bố trí để giải phóng mặt bằng. Về lập dự án tổng thể giai đoạn 1 cho sân bay quốc tế Long Thành, liên danh 5 nhà thầu trúng thầu, trong đó có 3 nhà thầu của Nhật Bản và 2 nhà thầu trong nước đang thực hiện khẩn trương công tác lập dự án. Theo kế hoạch tháng 3/2019 sẽ hoàn thành đánh giá tác động môi trường, tháng 10/2019 cố gắng báo cáo Quốc hội.
Trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng về tiến độ giải ngân 2 dự án trọng điểm quốc gia này. Đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) cho biết, dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành từ chủ trương đầu tư, cơ chế chính sách đặc thù, khung chính sách đến vốn đều đã được Quốc hội quyết định từ lâu nhưng triển khai chậm, đến nay vẫn chưa giải ngân được.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) và nhiều đại biểu khác thể hiện sự lo lắng khi “tiền trong túi chưa giải ngân”, trong khi dự án giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành liên quan đến hàng nghìn hộ dân hơn 10 năm nay thấp thỏm, không an cư được.