EVFTA sẽ mở ra thị trường xuất khẩu lớn cho hàng hóa Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên |
Một ví dụ thuyết phục thế giới
Ông Bruno Angelat, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU khẳng định, Việt Nam là đối tác lớn thứ 2 của EU trong khu vực ASEAN (sau Singapore), và đối với khu vực châu Á, thì EU mới chỉ hoàn thành ký kết 2 FTA với Hàn Quốc và Singapore. Với sự thành công của 2 FTA trước đó, ông Bruno cho rằng, Việt Nam sẽ là một ví dụ điển hình trong triển khai hợp tác thương mại tự do của EU với các đối tác và kỳ vọng sự hợp tác này sẽ là “tốt nhất” từ trước tới nay.
Chia sẻ về quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, sự kết nối giữa EU và Singapore chỉ dừng lại ở mức độ quốc gia này như một đối tác “dịch vụ” của EU. Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế là “một công xưởng lớn” nên EVFTA mang một ý nghĩa khác quan trọng hơn. “EVFTA là sự thuyết phục của EU trong phương thức hợp tác với phần còn lại của thế giới. Nếu Việt Nam, một nền kinh tế đang phát triển, có thể hợp tác thành công với EU thì các nền kinh tế chậm phát triển khác trên thế giới sẽ có thể kết nối và đồng hành với EU trong một tương lai không xa”.
Đại sứ EU cũng khẳng định, EVFTA được triển khai dựa trên quan điểm “đôi bên cùng có lợi”. Với 83% GDP là từ xuất khẩu, trong đó 10% là xuất khẩu thông qua các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam cần có nhiều sản phẩm xuất khẩu sang EU hơn nữa.
Tuy nhiên, cần phải khẳng định “con đường hợp tác không chỉ có hoa hồng”, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, EVFTA là một hiệp định thương mại “tương đối khó tính”, ở trình độ cao với lộ trình giảm thuế đối với việc xâm nhập của hàng Việt Nam vào EU tương đối dài. Cùng với đó, những hàng rào kỹ thuật rất cao sẽ là thách thức vô cùng lớn cho phần lớn các DN Việt Nam (phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, đang mới bắt đầu quá trình phát triển vươn xa của mình).
Với cái nhìn lạc quan, bà Miriam Garcia Ferrer, Trưởng ban Thương mại và Kinh tế của Phái đoàn EU cho rằng, EVFTA mở ra cơ hội hợp tác đôi bên cùng có lợi. Theo đó, người dân EU sẽ được tiếp nhận những sản phẩm chất lượng cao đúng như tiêu chuẩn vẫn được quy định ở EU. Còn với Việt Nam, Hiệp định sẽ mở ra một thị trường xuất khẩu lớn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Cơ hội thay đổi cách thức quản trị
Trong giai đoạn phát triển mới của Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định, nguồn lực đầu tư từ những nền kinh tế có công nghệ nguồn và công nghệ tiên tiến trên thế giới như EU sẽ giúp Việt Nam thực hiện cải cách, tái cấu trúc và nâng cao giá trị gia tăng. Không chỉ trông đợi vào các DN lớn, những DNNVV của EU cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam. Bởi những DNNVV của EU hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, mới nắm được những công nghệ sáng tạo tại các nền kinh tế sản xuất hàng đầu.
Ông Vũ Tiến Lộc đề xuất, Chính phủ các quốc gia EU cần có chính sách hỗ trợ cho các DNNVV này đầu tư vào Việt Nam. Bởi, DN Việt Nam không có đủ sức để kết nối trực tiếp với trung tâm các chuỗi giá trị mà chỉ có thể kết nối với DNNVV của EU, thành viên của những chuỗi giá trị này để từng bước vươn lên. Tuy nhiên, để thúc đẩy sự kết nối này, cần có chính sách hỗ trợ của các Chính phủ 2 bên nhằm giúp DN Việt Nam có thể vươn tới những chuẩn mực trong quản trị của EU, đó là: sự minh bạch, sự liêm chính, sự chuyên nghiệp… để có thể kết nối được với các DN EU. “Điều quan trọng là DN Việt Nam phải đạt được chuẩn trong kết nối và cách thức làm ăn với các DN hàng đầu thế giới”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng bày tỏ mong muốn, các DN châu Âu với sự có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới có thể giới thiệu cho Việt Nam những thực tiễn về thủ tục hành chính, điều hành quản lý DN tốt nhất trên thế giới. Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận những kinh nghiệm đó, vận dụng trong điều hành, quản trị Nhà nước.