Chậm ban hành hướng dẫn, nhà đầu tư gặp khó

(BĐT) - Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành. 
Nhiều công trình BT đã hoàn thành đầu tư nhưng vẫn không được bàn giao quỹ đất hoàn vốn theo thời hạn quy định trong hợp đồng. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều công trình BT đã hoàn thành đầu tư nhưng vẫn không được bàn giao quỹ đất hoàn vốn theo thời hạn quy định trong hợp đồng. Ảnh: Lê Tiên

Theo phản ánh của nhiều nhà đầu tư, việc chậm ban hành nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã khiến cho các nhà đầu tư gặp khó do tạm dừng xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư.

Nhiều nhà đầu tư BT “mắc kẹt”

Phản ánh tới Báo Đấu thầu, một số nhà đầu tư cho biết, việc chậm ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công gần nửa năm khiến cho các bên liên quan (nhà đầu tư và chính quyền địa phương) trong hợp đồng BT đã ký kết trước khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành gặp khó khăn, lúng túng khi thực hiện. Trong khi đó, ngày 28/3/2018, Bộ Tài chính ban hành Công văn số 3515/BTC-QLCS về xử lý một số vấn đề chuyển tiếp trong quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó có nêu: “Tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT có hiệu lực thi hành”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà đầu tư BT cho biết, quy định trên của Công văn số 3515/BTC-QLCS khiến nhà đầu tư gặp khó khăn trong thực hiện phương án tài chính hoàn vốn dự án vì các hợp đồng BT đã được ký kết, đầu tư trước thời điểm Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Công văn số 3515/BTC-QLCS có hiệu lực. Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư đã hoàn thành đầu tư công trình BT nhưng không được bàn giao quỹ đất hoàn vốn theo thời hạn quy định trong hợp đồng.

Ông Nguyễn Văn Chiến - Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Công văn số 3515/BTC-QLCS không làm thay đổi các điều khoản cơ bản và hiệu lực pháp lý của hợp đồng BT đã ký trước đó. “Quan điểm của tôi là nếu các bên liên quan trong hợp đồng BT dựa vào Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Công văn số 3515/BTC-QLCS để dừng triển khai các cam kết trong hợp đồng BT đã ký trước đó là chưa phù hợp”, ông Chiến nói. 

Cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn

Một số nhà đầu tư chia sẻ, về mặt pháp lý, Công văn số 3515/BTC-QLCS được ban hành ngày 28/3/2018 nhưng lại đưa ra quy định có nội dung “hồi tố” về mặt thời gian “tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018…” (quay ngược thời gian gần 3 tháng) là không ổn. Đáng ra, tại thời điểm trước khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2018), nếu chưa kịp ban hành nghị định hướng dẫn thì Bộ Tài chính nên có văn bản hướng dẫn xử lý một số vấn đề chuyển tiếp trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, TS. Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, việc một bộ ban hành văn bản hướng dẫn (không phải dạng nghị định, thông tư) dừng thực hiện các điều khoản hợp đồng BT đã ký kết trước đó là không phù hợp. Với hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP), cơ sở pháp lý cao nhất là hợp đồng và các điều khoản, nội dung ký kết, cam kết giữa các bên. Vì thế, việc phá vỡ các điều khoản thực hiện trong hợp đồng không phải là dễ dàng nếu không có sự đồng thuận giữa các bên. Khi nhà đầu tư thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng, nhà đầu tư có quyền khởi kiện ra tòa án để đòi lại những lợi ích hợp pháp của mình.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, việc chậm trễ ban hành các văn bản pháp luật này là thiếu sót của các nhà làm luật. Để tăng cường thu hút đầu tư, tạo sức hấp dẫn cho các dự án PPP, cần thiết phải ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời, bảo đảm hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, bảo đảm quyền lợi, tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư.