Chạy nước rút giải ngân 323 nghìn tỷ đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn, trong gần 4 tháng còn lại thực hiện kế hoạch đầu tư công 2024 sẽ cần giải ngân ít nhất khoảng 323,4 nghìn tỷ đồng. Lượng vốn lớn vào nền kinh tế sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng quý IV và cả năm 2024. Trong chặng cuối thực hiện kế hoạch, các địa phương đang chạy nước rút, quyết tâm cao độ đạt mục tiêu đề ra.
Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2024 đạt 320.566 tỷ đồng, bằng 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Lê Tiên
Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2024 đạt 320.566 tỷ đồng, bằng 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Lê Tiên

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 30/9/2024 là 320.566 tỷ đồng, đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 51,38%).

Có 8 bộ, cơ quan trung ương và 27 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó có một số bộ, địa phương được giao kế hoạch vốn lớn như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, TP. Hải Phòng, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu... Tuy nhiên, vẫn còn 31 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân 9 tháng đầu năm 2024 dưới mức trung bình cả nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, qua theo dõi tình hình giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2024, một số địa phương được giao kế hoạch vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân thấp dẫn đến giảm tỷ lệ chung của cả nước. Trong đó, TP.HCM được giao hơn 72 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 11,7% tổng kế hoạch vốn năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao cả nước, nhưng giải ngân mới đạt 21,29% kế hoạch. TP. Hà Nội được giao khoảng 81 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 12% kế hoạch vốn cả nước, nhưng giải ngân mới đạt gần 39%.

Nếu 2 địa phương có số vốn kế hoạch lớn nhất nước giải ngân đúng kế hoạch đặt ra, sẽ có nguồn vốn rất lớn được đưa vào nền kinh tế, góp phần hoàn thành mục tiêu giải ngân chung của cả nước và góp sức cho tăng trưởng.

Theo lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, giải ngân xây dựng cơ bản của Thành phố 9 tháng đầu năm đạt gần 31 nghìn tỷ đồng, mặc dù cao hơn cùng kỳ năm trước về giá trị tuyệt đối (cùng kỳ đạt 25 nghìn tỷ đồng), nhưng về tỷ lệ lại thấp hơn bình quân chung của cả nước khá nhiều. Nguyên nhân là số vốn kế hoạch giao cao hơn 1,7 lần so với năm 2023, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, thực hiện quy định pháp luật mới về đất đai, đấu thầu… Dù nguồn vốn còn nhiều, Thành phố đang quyết liệt giải ngân, triển khai các dự án lớn, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra.

TP.HCM đã phân nhóm dự án, xác định giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, phân công trong điều hành. Ảnh: Tiên Giang
TP.HCM đã phân nhóm dự án, xác định giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, phân công trong điều hành. Ảnh: Tiên Giang

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, một trong hai nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố trong các tháng cuối năm là tập trung cao độ giải ngân đầu tư công. Thành phố đã phân nhóm dự án, xác định giải pháp, phân công trong điều hành. Theo đó, trong các tháng tới sẽ tập trung giải ngân phần vốn bố trí giải phóng mặt bằng các dự án khoảng 30.000 tỷ đồng nữa, chiếm 35% tổng kế hoạch vốn; thúc đẩy các dự án đang triển khai khoảng 10 nghìn tỷ đồng, dự án khởi công mới khoảng 8 nghìn tỷ đồng, tập trung tháo gỡ nhóm dự án vướng mắc về thủ tục khoảng 15 nghìn tỷ đồng. “Trong tháng 11, 12 tốc độ giải ngân sẽ nhanh hơn”, ông Mãi khẳng định.

Lý giải việc giải ngân đầu tư công của Tuyên Quang chậm hơn cả nước, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho rằng, nguyên nhân là 4 tháng vừa qua mưa, hầu như không tổ chức thi công được. Từ nay đến cuối năm, Tỉnh sẽ tập trung cao độ, thi công 3 ca 4 kíp, xuyên ngày đêm để đảm bảo hoàn thành giải ngân 95% kế hoạch vốn đầu tư công. Đồng thời, Tuyên Quang đang tập trung cho đợt thi đua 500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường cao tốc. Hiện Tuyên Quang có 2 dự án cao tốc chạy qua là Tuyên Quang - Phú Thọ (đã hoàn thành) và Tuyên Quang - Hà Giang (tiến độ giải ngân trên 40%).

Từ phía những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, lãnh đạo nhiều địa phương khẳng định quyết tâm sẽ giải ngân hết 100% kế hoạch vốn. Với số vốn năm 2024 được giao khoảng 17 nghìn tỷ đồng, lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng cho biết, tuy tỷ lệ giải ngân 9 tháng đầu năm của Thành phố cao hơn mức trung bình của cả nước, nhưng vẫn thấp hơn tỷ lệ Thành phố đạt được cùng kỳ năm trước (75%). Thành phố xác định quý cuối năm tập trung cao nhất cho 2 chỉ tiêu là tăng trưởng GRDP và giải ngân 100% vốn đầu tư công.

Qua 9 tháng đã giải ngân trên 80% kế hoạch vốn, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Tỉnh phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch. Thanh Hóa với kế hoạch vốn hơn 11,1 nghìn tỷ đồng, qua 9 tháng đã giải ngân 66,6%, Chủ tịch UBND Tỉnh cũng khẳng định phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu đề ra…

Xác định giải ngân đầu tư công là động lực quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 trên 7%, Bộ KH&ĐT đề nghị 31 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân 9 tháng đầu năm dưới mức trung bình của cả nước tập trung chỉ đạo, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn này, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu. Công tác lãnh đạo, điều hành giải ngân vốn đầu tư công phải thường xuyên, liên tục và tập trung cao. Các địa phương quyết liệt chỉ đạo, điều hành, thực hiện “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm” trong tổ chức thực hiện để hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc. Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án, bám sát quá trình xử lý của các cơ quan chuyên môn để kịp thời giải trình, hoàn thiện hồ sơ theo quy định, khắc phục triệt để tình trạng “vốn chờ dự án”, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để thực hiện kế hoạch đầu tư công…

Ngày 8/10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 104/CĐ-TTg đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt chỉ đạo, điều hành, thực hiện "5 quyết tâm", "5 bảo đảm" trong tổ chức thực hiện. "5 quyết tâm" gồm: Quyết tâm giữ vững kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí, đẩy lùi tiêu cực; quyết tâm làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng kịp thời gian; quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cơ chế, chính sách; quyết tâm đổi mới phương pháp, cách làm, đổi mới sáng tạo…; quyết tâm khắc phục bằng được tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai.

"5 bảo đảm" gồm: Bảo đảm chủ động nguyên vật liệu và các điều kiện cần thiết cho các dự án; bảo đảm nhân lực có tâm, có tầm, có trách nhiệm; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; bảo đảm quản lý đúng quy định, không kéo dài, đội vốn, gây thất thoát vốn; bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật…

Tin cùng chuyên mục