Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Thủ tục giảm giá mất cả tuần?
Nhắc lại ý kiến doanh nghiệp kêu về thủ tục kê khai giảm giá rườm rà, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, việc kê khai hiện đã được cơ quan chức năng "tạo điều kiện hết mức" và doanh nghiệp gửi kê khai, sau khi rà soát sẽ nhận được trả lời ngay.
Việc kê khai giá theo ông không có cản trở nhưng ông Tuấn cho rằng, sau kê khai còn những khâu kiểm định ở lĩnh vực khác.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc thực hiện các thủ tục trước khi giảm giá có thể là một trong những lý do cước vận tải chậm giảm.
Theo ông, quy trình để doanh nghiệp giảm giá hiện tại, ngoài việc kê khai với cơ quan chức năng thì còn phải đợi để thẩm định và tiến hành một số thủ tục khác như kiểm tra đồng hồ, niêm yết,...
Những thủ tục trên theo ông có thể phải tốn 7-10 ngày và đó là rào cản để doanh nghiệp giảm giá cước vận tải khi giá xăng, dầu biến động. Đây là vấn đề ông cho rằng cơ quan chức năng phải nhận thấy rõ bởi cải thiện môi trường kinh doanh đang là vấn đề cấp thiết và xuất phát từ chính những việc thực thi như vậy.
Tuy nhiên, cũng chính ông Long đặt ra vấn đề trái ngược khi giá nhiên liệu tăng thì các doanh nghiệp vận tải đều gấp rút thực hiện được ngay việc tăng giá.
"Mục đích của doanh nghiệp kinh doanh vì lợi nhuận nên nếu lợi nhuận thâm hụt thì thủ tục dù nhiêu khê đến mấy cũng phải làm thật nhanh," vị chuyên gia kinh tế nói.
Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện việc kê khai giảm giá khi giá xăng, dầu liên tục giảm. (Ảnh: TTXVN)
Tuy nhiên, một lý do khác theo ông Long cũng không thể bỏ qua khi doanh nghiệp chây ỳ giảm cước vận tải là ở chính phía người kinh doanh. Những đơn vị này theo ông rõ ràng chạy theo lợi nhuận và luôn muốn giữ mức cước cũ để làm lợi trên túi tiền người tiêu dùng.
Tẩy chay?
Dẫn thống kê của ngành giao thông, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, tính tới 19/2 đã có 978 tuyến vận tải cố định và 363 hãng taxi tiến hành kê khai giảm giá với mức giảm khoảng 1%-33,3%. Mức giảm trên theo ông cơ bản hợp lý nhưng thực tế vẫn có doanh nghiệp chưa thực hiện tốt.
Để tránh tình trạng chây ỳ này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính khẳng định, cơ quan này đang rà soát lại quy định và sửa đổi theo hướng "xem xét mức độ hành chính mạnh hơn." Cụ thể, nếu giá xăng, dầu giảm giá trên 20% thì các doanh nghiệp buộc phải giảm giá mà không cần cơ quan quản lý phải nhắc nhở.
Theo tính toán, tỷ lệ biến động nhiên liệu trên sẽ tác động giảm giá khoảng 5-6% tùy từng dòng xe tiêu thụ nhiên liệu khác nhau.
Chưa đưa ra đánh giá cho tỷ lệ 20% trên nhưng ông Tuấn cho biết, cơ quan chức năng đã nhận được nhiều thông tin phản hồi trái chiều cho mức trên. Nhiều thông tin phản hồi theo ông cũng góp ý có thể giảm mức trên xuống 15% hay thậm chí 10%.
"Chúng tôi sẽ đánh giá kỹ nội dung trên để phù hợp với tình hình thực tiễn," ông Tuấn khẳng định.
Về chế tài xử phạt, lãnh đạo Cục Quản lý giá cho hay, nếu doanh nghiệp không thực hiện giảm giá sẽ bị phạt. Mức phạt theo quy định tùy từng hành vi có thể là 25-30 triệu đồng với cá nhân và tăng gấp đôi với tập thể.
Tuy nhiên, ngoài mức phạt trên, doanh nghiệp có thể phải chịu hình thức phạt bổ sung. Điều này có nghĩa cơ quan quản lý sẽ tính toán việc không giảm so với thực hiện để truy thu khoản chênh lệch. Bởi vậy, mức truy thu có thể sẽ lớn hơn cả mức phạt.
Đây cũng là vấn đề được chuyên gia Ngô Trí Long nhắc tới. Theo ông Long, một lý do khác cho điệp khúc "lạc nhịp" giữa giá xăng dầu và cước vận tải là do việc thanh tra, xử phạt chưa thực nghiêm minh.
Ông cho rằng, cơ quan chức năng chưa thực hiện việc công khai để người tiêu dùng nắm bắt và thậm chí có thể tẩy chay.
Riêng với tỷ lệ giảm 20% với giá xăng dầu để bắt buộc doanh nghiệp giảm giá, chưa đánh giá đây là tỷ lệ cao hay thấp nhưng ông Long cho rằng cơ quan chức năng nên có chuẩn mực rõ ràng.
"Muốn xử phạt thì phải có chứng lý cụ thể để lúc thanh tra vào cuộc mới xử phạt được," ông Long nói./.