Ảnh minh họa |
Tăng mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công
Theo Nghị định số 70/2017/NĐ-CP của Chính phủ, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng được tăng từ 1.318.000 đồng lên 1.417.000 đồng.
Hướng dẫn quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng
Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn các vấn đề liên quan đến quản trị công ty đối với công ty đại chúng bao gồm: Đại hội đồng cổ đông; Hội đồng quản trị; Ban kiểm soát; Giao dịch với người có liên quan; báo cáo và công bố thông tin.
Xem xét giảm mức chi phí đầu vào cho doanh nghiệp
Tại Chỉ thị 26/CT-TTg về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát các khoản phí có liên quan trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp để xem xét giảm mức phí, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát trong tháng 7/2017; chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu triển khai thí điểm mô hình hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, kết nối thông tin để quản lý doanh thu bán lẻ của các hộ kinh doanh; thí điểm thực hiện tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2018...
Thực hiện giải pháp thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực
Theo Chỉ thị số 24/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục chủ động, hành động quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP; trong tháng 8 năm 2017 có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá chi tiết sự chuyển biến của ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách.
Đồng thời, khẩn trương tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ, tập trung vào hai nhóm giải pháp sau:
1- Nhóm giải pháp chung: duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, công nghiệp, hệ thống tổ chức tín dụng ngân hàng, khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực sự nghiệp công, thu - chi ngân sách nhà nước và bảo đảm an toàn nợ công; cải cách thể chế, tập trung cải cách thủ tục hành chính; nâng cao năng suất lao động; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; mở rộng thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước; đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn đầu tư; tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế; điều chỉnh hợp lý theo lộ trình giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý.
2- Nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong từng ngành lĩnh vực: Phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, lĩnh vực, tận dụng bối cảnh kinh tế quốc tế, triển khai nhanh các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các ngành chủ yếu của nền kinh tế như: Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản phục vụ xuất khẩu; công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại di động; xây dựng, nhất là xây dựng công trình dân sinh; dịch vụ, du lịch.
Phòng, chống ma túy: Tập trung thực hiện mục tiêu 3 giảm
Tại Chỉ thị 25/CT-TTg về tăng cường công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới, Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện mục tiêu 3 giảm: Giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại.
Bổ sung Danh mục sản phẩm quốc gia
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung Danh mục sản phẩm quốc gia bắt đầu thực hiện từ năm 2017 thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020. Theo đó, tôm nước lợ (gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng); cà phê Việt Nam chất lượng cao; Sâm Việt Nam là các sản phẩm được bổ sung vào Danh mục này.
Từ 1/1/2018, chỉ sản xuất xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95
Theo thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về việc thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, Phó Thủ tướng cho phép tồn tại hai loại xăng: RON 92 và E5 RON92 đến hết ngày 31/12/2017. Kể từ ngày 01/01/2018, chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 nhằm góp phần bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng, giảm dần sự lệ thuộc vào xăng khoáng, cải thiện môi trường, đồng thời thực hiện tốt các cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế về giảm khí thải nhà kính, góp phần tạo thu nhập bền vững cho khu vực nông nghiệp và thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp.