Chính phủ sẽ chấn chỉnh công tác quản lý, phát triển đô thị

Phát biểu làm rõ một số nội dung ĐBQH quan tâm trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại UBTVQH, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ những nhiệm vụ trong thời gian tới mà Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phát triển đô thị.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại phiên chất vấn - Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại phiên chất vấn - Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá đô thị Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, cả về số lượng, chất lượng đô thị. Kinh tế đô thị đã góp phần đặc biệt quan trọng. Về tỉ trọng, kinh tế đô thị và khu công nghiệp chiếm khoảng 80% quy mô của nền kinh tế. Do đó, có thể nói đô thị đã trở thành hạt nhân, thành động lực cho phát triển kinh tế, cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu xã hội, đặc biệt là cơ cấu lao động. 

Quy hoạch còn thiếu, triển khai thực hiện chưa nghiêm

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ rõ những bất cập, tồn tại trong quá trình quản lý xây dựng và phát triển đô thị.

Đô thị còn phát triển theo chiều rộng nhiều hơn là theo chiều sâu, hiệu quả phát triển còn thấp. Hệ thống hạ tầng ở nhiều đô thị còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ. Kiến trúc, cảnh quan đô thị thiếu nét đặc trưng, thiếu bản sắc.

Việc đầu tư xây dựng, phát triển đô thị còn nhiều hạn chế. Tình trạng vi phạm quy hoạch, thiếu giấy phép xây dựng, xây dựng sai phép, trái phép còn diễn ra, chưa được chấn chỉnh kịp thời. Việc đầu tư nhà ở trong các khu đô thị còn mất cân bằng cơ cấu. Đặc biệt là nhà ở xã hội nhu cầu lớn, phù hợp với đại đa số người dân nhưng việc đầu tư còn chậm, thậm chí có địa phương còn chưa quan tâm. Tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Tình trạng ô nhiễm tại một số đô thị rất bức xúc cả về ô nhiễm chất thải rắn và không khí, nước thải. Tình trạng cháy nổ chung cư, nhà cao tầng còn phức tạp.

Về nguyên nhân của thực trạng trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng công tác lập quy hoạch và phát triển đô thị tuy đã được quan tâm triển khai đạt nhiều kết quả nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập.

"Nhiều khu vực phát triển nhanh nhưng thực hiện lập quy hoạch còn chậm, dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu của phát triển đô thị. Hệ thống quy hoạch đô thị nhiều nơi còn thiếu đồng bộ, thiếu các quy hoạch chi tiết. Chất lượng quy hoạch còn thấp, phải điều chỉnh nhiều lần, tình trạng điều chỉnh quy hoạch nhiều nơi còn tùy tiện dẫn đến ảnh hưởng chất lượng quy hoạch, thậm chí là thất thoát tài nguyên”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, một vấn đề rất lớn cần tập trung khắc phục là công tác tổ chức thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế.

“Vấn đề lớn nhất hiện nay là còn thiếu kế hoạch thực hiện quy hoạch dẫn đến tình trạng có quy hoạch là đầu tư, không theo kế hoạch cụ thể, không phù hợp với nguồn lực, nhu cầu của thị trường và các điều kiện khác, dẫn đến tình trạng đầu tư theo phong trào, dư thừa như thị trường bất động sản như vừa qua", Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng công tác quản lý đầu tư còn bị buông lỏng, thậm chí có nơi vi phạm pháp luật; việc tổ chức đầu tư phát triển hạ tầng theo quy hoạch còn chậm, thiếu đồng bộ.

Cùng với đó, bộ máy quản lý đô thị còn thiếu, chậm được hoàn thiện. Cụ thể, Nghị định số 11/2013/NĐ-CP có yêu cầu rất rõ về việc phải thành lập Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị như một "nhạc trưởng" để kết nối, điều hành việc đầu tư của các chủ đầu tư khác nhau, tạo ra sự kết nối, đồng bộ của đô thị. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương còn chưa triển khai thực hiện.

“Trong khi cơ quan quản lý Nhà nước không có đủ thời gian, nhân lực, phương tiện để đi kiểm tra, đôn đốc, thì Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị sẽ đóng vai trò như một “đốc công” trong phát triển đô thị”, Phó Thủ tướng nói.

Một số hạn chế, vướng mắc khác trong quản lý và phát triển đô thị cũng được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề cập như khả năng đáp ứng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho phát triển đô thị là rất thấp; công tác thanh tra, kiểm tra đã được tăng cường nhưng hiệu quả còn thấp, việc thực hiện kết luận thanh tra còn chậm, thậm chí chưa nghiêm, việc xử lý các vi phạm còn thiếu kiên quyết; Pháp luật về quản lý đầu tư phát triển đô thị còn thiếu, chưa đồng bộ. Hiện mới chỉ có Nghị định về quản lý, phát triển đô thị, nhưng hiệu lực chưa cao, do đó cần thiết phải sớm nghiên cứu, xây dựng Luật Quản lý, phát triển đô thị.

Ưu tiên phát triển nhà ở xã hội

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.

Trước hết là rà soát, tổng kết Luật Quy hoạch phát triển đô thị, Luật Xây dựng để sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị. Trong đó khẩn trương hoàn thành dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018), dự thảo Luật Kiến trúc trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019); rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng mới các nghị định hướng dẫn.

Cùng với đó, phải đẩy mạnh việc tổ chức lập quy hoạch. Chú trọng việc thực hiện đồng bộ các quy hoạch (quy hoạch chung, quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, chi tiết, thiết kế đô thị) đi đôi với việc nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch xây dựng; gắn quy hoạch xây dựng với các quy hoạch chuyên ngành và gắn quy hoạch xây dựng với ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng...

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cần tăng cường kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng, phát triển đô thị theo quy hoạch, tránh tạo áp lực lên hạ tầng đô thị như các ĐBQH và cử tri đã kiến nghị.

“Yêu cầu tất cả các đô thị phải xây dựng kế hoạch phát triển đô thị, trong đó phải kế hoạch hóa quá trình phát triển, dài hạn, 5 năm và hằng năm, cân đối với khả năng cung ứng nguồn lực, với khả năng tiêu dùng về bất động sản của người dân, tránh tình trạng thiếu - thừa về bất động sản, phù hợp với yêu cầu phát triển”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, phải tăng cường kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng bảo đảm an toàn về chất lượng, an toàn về chịu lực, phòng cháy chữa cháy, bảo đảm về cấp - thoát nước, xử lý chất thải; tổ chức kết nối hạ tầng theo vùng, theo lãnh thổ, phát triển mạnh giao thông công cộng tại các đô thị... để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đặc biệt lưu ý các địa phương cần đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội tại các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp.

“Yêu cầu phát triển các loại hình nhà ở xã hội tập trung và phân tán, kết nối với hạ tầng đô thị, đặc biệt là giao thông công cộng”, Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó là giải pháp đẩy nhanh tiến độ phát triển các khu đô thị vệ tinh quanh các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để thu hút người dân về sinh sống, giảm áp lực cho các thành phố trung tâm.

Xác định rõ nguồn lực cho phát triển đô thị, cân đối vốn ngân sách cho phát triển hạ tầng, phát huy các hình thức huy động nguồn lực hợp lý như hợp tác công - tư, nguồn vốn xã hội hóa, đầu tư nước ngoài...

Nâng cao năng lực công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, trong đó tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong đó chú ý các địa phương phải thành lập Ban quản lý phát triển đô thị như Nghị định số 11/2013/NĐ-CP quy định.

Nhiệm vụ cuối cùng được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề cập là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm mọi vi phạm về quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, không có ngoại lệ trong xử lý vi phạm.

Tin cùng chuyên mục