Biện pháp CBPG sẽ có hiệu lực trong vòng 5 năm kể từ ngày Quyết định 3390/QĐ-BCT có hiệu lực (ảnh: Internet) |
Quyết định đưa ra trên cơ sở hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp CBPG của đại diện ngành sản xuất trong nước cũng các kết quả từ điều tra, đánh giá.
Thông tin về vụ việc, Bộ Công Thương cho biết, ngày 3/9/2019, Bộ đã quyết định khởi xướng điều tra vụ việc trên cơ sở hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp CBPG của đại diện ngành sản xuất trong nước. Việc điều tra được thực hiện theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan.
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và một số vấn đề cần làm rõ liên quan đến phạm vi sản phẩm, ngày 21/8/2020, Bộ đã ban hành Quyết định số 2240/QĐ-BTC về việc gia hạn thời hạn điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với thép cán nguội. Do không thể tiến hành điều tra tại chỗ các công ty sản xuất, xuất khẩu nước ngoài nên Bộ Công Thương đã gửi bản câu hỏi thẩm tra và tạo điều kiện cho các công ty này cung cấp thêm các thông tin, tài liệu để giải thích, làm rõ cho các nội dung đã cung cấp ở giai đoạn sơ bộ và nêu ý kiến, quan điểm đối với vụ việc.
Quy trình điều tra đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện bắt buộc theo quy định của Hiệp định chống bán phá giá của WTO, Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan để áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Kết quả điều tra vụ việc có tồn tại 3 yếu tố: hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài; có sự đe dọa gây thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước; và hành vi bán phá giá là nguyên nhân chính dẫn tới đe dọa gây thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước.
Theo Bộ Công Thương, kết quả điều tra, đánh giá cho thấy, trong thời kỳ điều tra, lượng nhập khẩu thép cán nguội từ Trung Quốc đạt 272.073 tấn, chiếm 65,5% tổng lượng nhập khẩu thép cán nguội vào Việt Nam. Số liệu nhập khẩu cho thấy có sự gia tăng tuyệt đối và tương đối đối với lượng nhập khẩu thép cán nguội từ Trung Quốc so với lượng sản xuất tại Việt Nam. Sự gia tăng này là nguyên nhân chính gây tác động tiêu cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa tương tự của các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Ngành sản xuất trong nước đang bị đe dọa gây thiệt hại đáng kể, thể hiện ở hầu hết các chỉ số, đặc biệt là các chỉ số về lợi nhuận, tồn kho và thị phần. Bên cạnh đó, biên độ bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu được xác định là từ 4,43 - 25,22%.
Trên cơ sở kết quả điều tra, Bộ Công Thương quyết định áp dụng thuế CBPG chính thức đối với sản phẩm thép cán nguội từ Trung Quốc để ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước do tác động từ lượng lớn các sản phẩm thép cán nguội nhập khẩu đang được bán phá giá vào Việt Nam sau khi cân nhắc hài hòa giữa quyền lợi của ngành sản xuất trong nước, lợi ích của các ngành công nghiệp hạ nguồn sử dụng sản phẩm thép cán nguội. Đối với một số sản phẩm thép cán nguội đặc biệt được đề nghị xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp CBPG, Bộ sẽ có thông báo tiếp nhận hồ sơ miễn trừ theo quy định tại Thông tư 37/2019/TT-BCT.
Biện pháp CBPG sẽ có hiệu lực trong vòng 5 năm kể từ ngày Quyết định 3390/QĐ-BCT có hiệu lực. Hàng năm, các bên liên quan có thể nộp hồ sơ yêu cầu Bộ Công Thương tiến hành điều tra, rà soát lại về vấn đề phạm vi sản phẩm, mức thuế CBPG áp dụng cho nhà xuất khẩu mới hoặc mức thuế hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài.