Cổ phần hóa DNNN: “Vẫn còn tư tưởng ngại thay đổi”

(BĐT) - Chủ trì Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ngày 16/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nhiều bộ, ngành,  địa phương, một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng.
Doanh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý vấn đề đất đai khi cổ phần hóa. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý vấn đề đất đai khi cổ phần hóa. Ảnh: Lê Tiên

Thủ tướng nhấn mạnh: “Vẫn còn tư tưởng ngại thay đổi, không muốn đổi mới vì lợi ích cá nhân, đặc quyền, đặc lợi, lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực, thậm chí có trường hợp tham nhũng, che giấu sai phạm, cố tình làm chậm, không thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ quan trọng này”. 

2 năm không làm nổi thông tư hướng dẫn

Tại Hội nghị, ý kiến của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cho thấy, trở ngại lớn nhất làm chậm quá trình cổ phần hóa DNNN hiện nay là vấn đề đất đai. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận xét: “Trước đây, chúng ta đã thất thoát quá nhiều từ đất đai. Đến nay, khâu xử lý đất đai khi cổ phần hóa DNNN được siết chặt theo hướng sắp xếp, rà soát đến từng mét vuông. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn vướng mắc. Cần xem xét rõ phạm vi trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương liên quan”.

Liên quan đến nội dung này, ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và Thông tư 07/2015/TT-BTNMT hướng dẫn xử lý đất đai với các công ty nông, lâm nghiệp đã tháo gỡ nhiều khó khăn trong việc rà soát đất đai của DNNN khi cổ phần hóa.

Cũng theo vị thứ trưởng này, thực hiện yêu cầu của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Bộ TN&MT đã nghiên cứu để xây dựng thông tư hướng dẫn vấn đề đất đai tại Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển DNNN thành công ty cổ phần nhưng không thể ban hành.

Trong khi đó, nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh: “Dứt khoát Bộ TN&MT phải ra thông tư hướng dẫn Nghị định 126 làm căn cứ pháp lý để xử lý các trường hợp khác ngoài các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp. Còn hàng ngàn mét đất nội đô thì biết giải quyết thế nào? Bây giờ, đất đai trong cổ phần hóa thường bị hiểu là gắn với lợi ích nhóm, nhỡ làm không đúng là có vấn đề ngay, nên phải có văn bản hướng dẫn cụ thể”.

Về nội dung này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, cách đây 2 năm, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã có công văn yêu cầu Bộ TN&MT xây dựng và ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể việc xác định đất đai theo Nghị định 126 nêu trên. “Các cuộc họp giao ban của Ban Chỉ đạo đều nhắc đến nội dung này. Nhưng mãi đến cách đây 1 tháng, Bộ TN&MT mới nêu ý kiến là không làm được”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thông tin thêm. 

Cổ phần hóa DNNN vẫn “tắc” nếu không gỡ được vướng mắc về đất đai

Nêu vướng mắc về đất đai, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cho biết, doanh nghiệp này đang gặp khó với Công văn 4544/BTC-TCDN ngày 18/4/2019 của Bộ Tài chính về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp và “tắc” với các mảnh đất đang tranh chấp ở các địa phương.

Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 126 và Nghị định 01 nêu trên, tổng công ty này chỉ có trách nhiệm rà soát đất đai của công ty mẹ và 2 công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn. Tuy nhiên, tại Công văn 4544, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp phải rà soát đất đai của toàn bộ các doanh nghiệp mà tổng công ty này nắm giữ từ 51% vốn trở lên. Trong khi đó, Vinafood 1 có đất rải rác ở nhiều địa phương, rất nhiều mảnh đất ở tình trạng tranh chấp nên việc rà soát như vậy là vô cùng khó khăn.

“Đặc thù của doanh nghiệp là có nhiều mảnh đất đã để cho cán bộ, nhân viên ở từ nhiều năm trước, giờ đây bảo họ đi chỗ khác thì họ không đồng ý. Khi chúng tôi đề xuất trả những mảnh đất đó cho địa phương quản lý vì khả năng xử lý đất tranh chấp của địa phương hiệu quả hơn thì nhiều địa phương không nhận. Do đó, với tình trạng tắc nghẽn hiện nay, chúng tôi không biết bao giờ mới có thể hoàn thành cổ phần hóa”, bà Tâm nói.

Đáp lại ý kiến này của bà Tâm, ông Nguyễn Văn Sửu khẳng định: “Hà Nội sẵn sàng nhận xử lý đất tranh chấp. Chúng tôi sẽ làm theo hướng thu hồi và đấu giá. Thực ra, đất “ngon” thì doanh nghiệp đã giữ hết rồi, chỗ nào tranh chấp chúng tôi sẽ nhận và sẽ làm nhanh”.

Liên quan đến Công văn 4544 nói trên, Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN sớm trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo: “Cần làm rõ căn cứ pháp lý của Công văn 4544. Phải tháo gỡ sớm, nếu không, quá trình cổ phần hóa sẽ lại ách tắc và 45 nghìn tỷ đồng dự thu ngân sách nhà nước năm 2020 từ công tác cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ khó thành hiện thực”.

Tin cùng chuyên mục