Bộ KH&ĐT kiến nghị bãi bỏ toàn bộ các điều kiện về nhân lực, trừ một số nghề thực sự đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm. Ảnh: Ngọc Kỳ |
“Rừng” điều kiện kinh doanh
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, từ khi Luật Đầu tư có hiệu lực (từ 1/7/2015) đến nay, hệ thống quy định về ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện. Lần đầu tiên đã tập hợp được và công khai hóa hai 2 danh mục: ngành nghề cấm kinh doanh (hiện gồm 7 ngành nghề) và ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (hiện gồm 243 ngành nghề). Điều này góp phần lớn vào minh bạch hóa môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, ông Cung cũng cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, hệ thống các quy định về ĐKKD còn nhiều điểm bất cập.
Báo cáo rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh của CIEM và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa thực hiện cho thấy, Việt Nam vẫn còn một “rừng” ĐKKD. Hiện nay, tổng số ĐKKD áp dụng đối với 243 ngành nghề là khoảng 4.284 yêu cầu, điều kiện. Các ĐKKD được quy định ở 237 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm từ Luật, Pháp lệnh, Nghị định và Hiệp định. Trong số 15 bộ có quy định pháp luật về ĐKKD, Bộ Công Thương có số ĐKKD lớn nhất (1.152 điều kiện), tiếp đó là Bộ Tài chính (470 điều kiện), Bộ Y tế (293 điều kiện)… Bộ Tư pháp có ít ĐKKD nhất (64 điều kiện).
Cũng theo ông Cung, hiện các ĐKKD được quy định khá đa dạng, có đến hàng trăm loại yêu cầu, điều kiện khác nhau. Xét theo nội dung, có thể chia thành 8 nhóm điều kiện cơ bản. Điều kiện về năng lực chiếm số lượng lớn nhất (1.336 điều kiện), tiếp theo là điều kiện về nhân lực (1.090 điều kiện).
Đặc biệt, so sánh với các tiêu chuẩn về chất lượng thể chế của Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD), có thể thấy không ít quy định về ĐKKD hiện nay của Việt Nam còn nhiều khiếm khuyết. Hầu hết các ĐKKD, giấy phép con này đều đi ngược lại các nguyên tắc của OECD về đảm bảo chất lượng thể chế, gây ra nhiều chi phí không cần thiết cho DN, tạo rào cản đầu tư, làm giảm cạnh tranh, giảm động lực đổi mới, sáng tạo của DN.
Chuyển sang hậu kiểm
Từ thực trạng nêu trên và các nguyên tắc đảm bảo chất lượng thể chế của OECD, Bộ KH&ĐT kiến nghị bãi bỏ gần 2.000 ĐKKD. Cụ thể, đề xuất bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần 302 điều kiện về tài chính; bãi bỏ toàn bộ 85 điều kiện về địa điểm; bãi bỏ toàn bộ 1.336 điều kiện về năng lực sản xuất; bãi bỏ toàn bộ các điều kiện về nhân lực, trừ một số nghề thực sự đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm; bãi bỏ toàn bộ 127 điều kiện về phương thức kinh doanh; bãi bỏ toàn bộ 80 điều kiện về quy hoạch; bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần các điều kiện có nội dung không phù hợp khác.
Bên cạnh đề xuất bãi bỏ các ĐKKD bất hợp lý, Bộ KH&ĐT kiến nghị phải đổi mới phương thức quản lý nhà nước về kinh doanh có điều kiện. Trong đó có thay đổi tư duy và nhận thức về vai trò, ý nghĩa của ĐKKD. Bởi theo ông Cung, hiện quản lý nhà nước về kinh doanh vẫn theo lối mòn, vẫn theo tư duy kiểm soát và tiền kiểm.
Bộ KH&ĐT kiến nghị, phải bỏ tư duy tiền kiểm, chuyển sang hậu kiểm và công khai thông tin để người tiêu dùng lựa chọn và sàng lọc DN tuân thủ theo kỷ luật thị trường. Tức là Nhà nước cho phép DN tự kiểm tra sản phẩm và công bố hợp chuẩn, hợp quy; Nhà nước thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên các sản phẩm, dịch vụ để đảm bảo tuân thủ pháp luật. Bên cạnh đó, triệt để áp dụng quản lý theo hướng quản lý dựa trên rủi ro để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí. Theo hướng này, Chính phủ xây dựng hệ thống thông tin về DN và sản phẩm để có thông tin về tuân thủ pháp luật, thông tin truy xuất nguồn gốc theo chuỗi; cung cấp thông tin đầy đủ về DN và sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn và tự bảo vệ mình.
Về phương pháp thực hiện, ông Cung đề xuất, Chính phủ cần ban hành riêng 1 nghị quyết về vấn đề này, trên cơ sở đó các bộ, ngành nghiêm túc thực hiện. Nếu đơn vị nào thực hiện không nghiêm phải truy trách nhiệm người đứng đầu tới cùng, có như vậy Việt Nam mới có được môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN.