Coi trọng hợp đồng xây dựng để giảm rủi ro tranh chấp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tranh chấp hợp đồng xây dựng thường phức tạp, kéo dài và gây thiệt hại nặng nề cho cả chủ đầu tư, nhà thầu và xã hội. Theo nhiều ý kiến, việc coi trọng, nâng cao chất lượng hợp đồng và quản lý hợp đồng, chất lượng của chính các chủ thể tham gia hợp đồng là rất cần thiết để tiến trình thực hiện gói thầu, dự án xây dựng không bị chậm trễ do các tranh chấp.
Theo khảo sát của Hội Pháp luật xây dựng Việt Nam, tranh chấp xảy ra nhiều nhất liên quan đến khối lượng, phạm vi dịch vụ và thanh toán hợp đồng xây dựng. Ảnh: Tiên Giang
Theo khảo sát của Hội Pháp luật xây dựng Việt Nam, tranh chấp xảy ra nhiều nhất liên quan đến khối lượng, phạm vi dịch vụ và thanh toán hợp đồng xây dựng. Ảnh: Tiên Giang

“Chủ đầu tư và nhà thầu tranh chấp về tiến độ, tuy nhiên không có bảng tiến độ chính thức. Nguyên nhân do nhà thầu không xác lập bảng tiến độ để chủ đầu tư phê duyệt theo hợp đồng. Khi có tranh chấp, các chuyên gia phải xác lập lại bảng tiến độ và việc này rất khó khăn. Vụ việc sau đó phải cố gắng hòa giải, mỗi bên đều chịu thiệt”, ông Đặng Xuân Hợp, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), dẫn ra một vụ việc tranh chấp tại Hội thảo Quản lý hợp đồng xây dựng và giải pháp trong giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng vừa được VIAC tổ chức.

Trong một vụ việc khác, hợp đồng yêu cầu nhà thầu phải xin mọi giấy phép để đưa công trình vào vận hành. Chủ đầu tư can thiệp hỗ trợ và nói nhà thầu không phải làm gì, cứ để cho chủ đầu tư xử lý. Công trình phải đưa vào vận hành cuối năm 2019, nhưng đến lúc đó, giấy phép vẫn chưa được cấp và nhà thầu yêu cầu giãn tiến độ. Cùng lúc, nhà thầu có khó khăn trong việc xin một giấy phép, nhưng chủ đầu tư phản đối, nói rằng trách nhiệm này vẫn hoàn toàn ở phía nhà thầu, chủ đầu tư chỉ hỗ trợ nhưng không chịu trách nhiệm.

Đó chỉ là một số tình huống có thể phát sinh tranh chấp trong rất nhiều vụ việc tranh chấp đã xảy ra trong lĩnh vực xây dựng. Ông Đặng Xuân Hợp lưu ý, để tránh tranh chấp, ngay từ đầu, cả nhà thầu và chủ đầu tư cần tổ chức đội ngũ theo sát việc thực hiện hợp đồng, với bảng tiến độ cập nhật, đúng quy định hợp đồng, tránh tình trạng thực hiện không đúng quy định. Nhà thầu và chủ đầu tư luôn phải xác định rõ trách nhiệm, phạm vi công việc của hai bên, mọi phát sinh hoặc yêu cầu thể hiện bằng văn bản, sửa đổi hợp đồng rõ ràng, đúng quy trình theo hợp đồng, vì sẽ rất khó xác định trách nhiệm nếu dựa trên lời nói hoặc ý định nhưng không được thể hiện bằng văn bản hoặc không đúng hình thức văn bản. Nếu có phát sinh sự kiện làm thay đổi thời biểu, tiến độ, các bên cần nhanh chóng thông báo cho nhau, tham vấn và thực hiện thủ tục gia hạn tiến độ hay sửa đổi hợp đồng nếu cần thiết, chậm trễ trong việc chuẩn bị hồ sơ có thể làm mất quyền khiếu nại…

Từ một khảo sát của Hội Pháp luật xây dựng Việt Nam, ông Phạm Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty TNHH TTAD, thành viên của Hội cho biết, tranh chấp xảy ra nhiều nhất liên quan đến khối lượng, phạm vi dịch vụ và thanh toán. Để giảm rủi ro trong hợp đồng xây dựng, ông Tuấn gợi ý, cần nâng cao chất lượng của chính hợp đồng và các chủ thể tham gia. Đồng thời, ông Tuấn khuyến nghị chuẩn hóa hợp đồng, đặc biệt chuẩn hóa thêm nhiều mẫu hợp đồng mới phù hợp xu thế; thống nhất thuật ngữ kỹ thuật, pháp lý giữa các văn bản, hướng dẫn; “địa phương hóa” các hợp đồng quốc tế để giảm việc tranh chấp...

Ở góc độ quy định pháp lý, Nghị định 50/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng có nhiều điểm mới mà các bên cần nắm rõ để áp dụng, đặc biệt khi xảy ra các trường hợp phải điều chỉnh giá hợp đồng - vấn đề có thể gây ra sự không thống nhất giữa nhà thầu, chủ đầu tư hoặc làm chậm trễ thực hiện hợp đồng.

Ông Nguyễn Bắc Thủy - Trưởng phòng Kinh tế đầu tư và Hợp đồng xây dựng thuộc Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng - cho biết, Nghị định 50/2021/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều chỉnh giá hợp đồng. Trong đó quy định rõ trường hợp điều chỉnh hợp đồng do thay đổi chính sách; bổ sung quy định điều chỉnh hợp đồng trong cả thời gian được gia hạn hợp đồng theo quy định của pháp luật; điều chỉnh, bổ sung quy định hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói được điều chỉnh trong 3 trường hợp thay đổi chính sách, khi điều chỉnh dự án, bất khả kháng. Đồng thời, bổ sung quy định các bên có thể thỏa thuận, thống nhất trước về nguyên tắc, phương pháp xác định giá của các công việc ngoài phạm vi hợp đồng; bổ sung 2 điều kiện để được điều chỉnh giá trong trường hợp khối lượng thực tế tăng hoặc giảm trên 20% và làm rõ đơn giá mới được áp dụng theo khối lượng nào; làm rõ chỉ số giá áp dụng để điều chỉnh giá hợp đồng là chỉ số giá xây dựng…

Tin cùng chuyên mục