Còn 247 nghìn tỷ đồng chưa giải ngân, cần nỗ lực lớn để đạt 95% kế hoạch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu, cần nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm với dân với nước để “không cần phải họp nhiều mà công việc vẫn chạy”, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch được giao năm 2023. 
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 11/2023 đạt gần 461 nghìn tỷ. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 11/2023 đạt gần 461 nghìn tỷ. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương về kiểm điểm, đánh giá tình hình, đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, diễn ra sáng 27/11/2023.

Giải ngân cao hơn 122,6 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 11/2023 đạt gần 461 nghìn tỷ (65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), cao hơn 6,77% và cao hơn 122,6 nghìn tỷ về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có những bộ, ngành, địa phương đạt kết quả giải ngân vốn đầu tư công tốt như Ngân hàng Phát triển Việt Nam (100%), Hội Nhà báo Việt Nam (100%), Hội Luật gia Việt Nam (92,76%), Văn phòng Quốc hội (83,61%), Bình Dương (113,4%), Long An (112,7%), Bà Rịa Vũng Tàu (106,84%), Tiền Giang (101,42%), Đồng Tháp (100,82%), Hải Phòng (99,83%)...

Bộ KH&ĐT cho biết, trong điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện, văn bản chỉ đạo công tác này. Đồng thời, duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông; 05 tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ; 26 đoàn công tác do Thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn.

Các Ban Chỉ đạo, Tổ công tác của Chính phủ đã làm việc với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp trên tinh thần tháo gỡ những "nút thắt", "điểm nghẽn", đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách. Sau những đợt đôn đốc, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã từng bước khắc phục được một số vướng mắc, hạn chế, qua đố kết quả giải ngân vốn đầu tư công bắt đầu từ tháng 7/2023 đến nay đã có sự thay đổi tích cực, cao hơn cùng kỳ năm 2022.

Đơn vị giải ngân chậm phải kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân

Bên cạnh kết quả tích cực, theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, đến nay, có 21/52 bộ, cơ quan Trung ương và 30/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao với tổng số vốn gần 16,2 nghìn tỷ đồng. Có 43 bộ, cơ quan Trung ương và 28 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Đến hết tháng 11, bình quân các bộ, cơ quan, địa phương này chỉ đạt tỷ lệ giải ngân khoảng 44%, thấp hơn nhiều bình quân chung cả nước (65,1%), trong đó 15 bộ, cơ quan Trung ương chỉ giải ngân được dưới 15%, 8 địa phương giải ngân dưới 50%. Còn nhiều dự án lớn, trọng điểm quốc gia còn chậm tiến độ, bố trí kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư chậm.

Về nguyên nhân tồn tại, hạn chế, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách chưa tốt, chưa sát với thực tiễn, khả năng thực hiện, còn dàn trải, bình quân, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Công tác chuẩn bị dự án còn hạn chế, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư chưa phù hợp, dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần; còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; năng lực nhà thầu thi công một số dự án còn hạn chế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự sát sao, quyết liệt, kịp thời. Vướng mắc trong tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất, chủ yếu là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư,... dẫn đến chậm thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, thi công.

Đến nay, có 21/52 bộ, cơ quan Trung ương và 30/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao với tổng số vốn gần 16,2 nghìn tỷ đồng.

Đến nay, có 21/52 bộ, cơ quan Trung ương và 30/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao với tổng số vốn gần 16,2 nghìn tỷ đồng.

Cùng với đó, một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật chậm ban hành, chậm được sửa đổi, còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất, nhất là về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng, quản lý khoáng sản và vật liệu thông thường, tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; tính linh hoạt của việc giao chủ quản, điều tiết ngân sách giữa địa phương với địa phương, giữa địa phương và Trung ương; thiếu các hướng dẫn cụ thể đối với các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ...

Có tình trạng thiếu đất, cát và nguyên vật liệu thi công, nhất là thiếu hụt cát sử dụng trong đắp nền để thi công các dự án giao thông trọng điểm quốc gia.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng phê bình các bộ, cơ quan, địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp và chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công. Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương này cần nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện giải ngân vốn đầu tư công.

Quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp

Số vốn chưa giải ngân kế hoạch năm 2023 còn khá lớn, khoảng 247 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thời gian để thực hiện kế hoạch vốn 2023 chỉ còn hơn 35 ngày, còn về thủ tục giải ngân thì đến hết tháng 1/2025. Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, cần có sự quyết tâm rất cao, sự vào cuộc quyết liệt, triển khai một cách đồng bộ, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành mới có thể hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 08/CT-TTg là tỷ lệ giải ngân trên 95%.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh phải xác định đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành, nhất là những công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, các công trình, dự án liên vùng, có tính lan tỏa cao… Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan Trung ương, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm (đặc biệt là về đất đai, tài nguyên, bãi đổ thải…); cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; coi kết quả giải ngân là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý, thay thế kịp thời các công chức, viên chức yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, dẫn tới dự án kéo dài, đội vốn, lãng phí.

Rà soát kỹ ngay từ khâu chuẩn bị dự án, lựa chọn dự án giao vốn đến công tác thiết kế, đấu thầu, thi công, thủ tục thanh, quyết toán… đối với từng dự án. Tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng; thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng…

Tin cùng chuyên mục