Ảnh minh họa. |
Theo cơ quan quản lý giá, một số nguyên nhân sau đây có thể sẽ khiến cho CPI tháng 4 tăng, chẳng hạn, nhu cầu một số hàng hoá, dịch vụ (giao thông công cộng, du lịch, may mặc...) có thể tăng do yếu tố mùa vụ (thời tiết chuyển sang mùa nóng tại miền Bắc, kỳ nghỉ dịp Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4-1/5).
Cùng với đó, thời tiết khô hạn và tình hình xâm nhập mặn tiếp tục ảnh hưởng tại khu vực ĐBSCL; giá một số nhiên liệu, chất đốt (xăng dầu, LPG...) trong nước có thể tăng theo xu hướng tăng của giá thế giới...
Tuy nhiên, Cục Quản lý giá nhận định do nguồn cung đa số các hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng trên thị trường trong nước khá dồi dào; việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, điều hành, bình ổn giá của các bộ, ngành, địa phương sẽ góp phần giữ cho giá cả thị trường không xảy ra biến động đột biến trong tháng tới.
Để bình ổn thị trường giá cả, cơ quan quản lý giá đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/1/2016 của Chính phủ.
Cùng với đó, cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả. Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác dự báo, phân tích giá cả, cung cầu thị trường để có phương án điều hành phù hợp.
Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về giá theo quy định tại Luật Giá và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí; giám sát chặt chẽ hoạt động kê khai giá của doanh nghiệp, kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá...
Đồng thời tiếp tục điều hành giá năng lượng và các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác theo theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2016…