Cú hích từ những dự án trọng điểm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đất nước đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ với sự hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng ở tầm quy mô mới, hiện đại hơn, đột phá hơn bao giờ hết. Trên mặt trận đầu tư công, cú hích tăng trưởng được kỳ vọng lớn nhất hiện nay, nhiều dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa chiến lược, then chốt đối với sự phát triển toàn diện của nền kinh tế - xã hội đã và đang được tích cực triển khai đồng loạt.
Chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực ngoài nhà nước, nhất là đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo phương thức PPP đang phát huy hiệu quả. Ảnh: Lê Tiên
Chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực ngoài nhà nước, nhất là đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo phương thức PPP đang phát huy hiệu quả. Ảnh: Lê Tiên

Căng mình đảm bảo tiến độ nhiều dự án lớn

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, để thực hiện Dự án Xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, Tỉnh phải thực hiện thu hồi diện tích 5 ngàn ha đất. Trong số này, có gần 3 ngàn ha đất thuộc quyền sử dụng của hơn 5,5 ngàn hộ gia đình, cá nhân. Có thể nói, tỉnh Đồng Nai chưa bao giờ được giao triển khai một dự án với khối lượng công việc khổng lồ, cả về quy mô, tầm vóc lẫn đối tượng liên quan lớn như vậy. Đây cũng được xem là dự án có giá trị bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư lớn nhất từ trước đến nay trên cả nước.

Những ngày này, bộ phận chuyên trách của UBND huyện Long Thành (Đồng Nai) có không khí làm việc rất khác. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh giãn cách sâu rộng đang giúp công tác bồi thường giải phóng mặt bằng không bị ảnh hưởng nhiều dù gặp vô vàn khó khăn.

Theo UBND huyện Long Thành, hiện chỉ còn 1/3 số hồ sơ chưa hoàn tất thủ tục, tuy nhiên phần lớn là các hồ sơ phức tạp, nguồn gốc đất chưa rõ ràng, mua bán, sang nhượng bằng giấy tay, qua nhiều lần chủ, không liên hệ được với chủ đất…

Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng của Đồng Nai đã thực hiện công khai và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho hơn 4.000 hộ dân trong vùng dự án. Trong đó, đã thực hiện chi trả số tiền bồi thường, hỗ trợ hơn 6.900 tỷ đồng cho hơn 3.000 hộ dân.

“Thống kê cho thấy, đến thời điểm này, huyện Long Thành đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích hơn 1.400 ha đất trong tổng số gần 3.000 ha đất thuộc quyền sử dụng của các hộ gia đình, cá nhân trong vùng dự án”, ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết.

Tiến độ giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện khu hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội cho khu tái định cư của Dự án Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tạo cơ sở nền tảng để Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đang đồng loạt triển khai các gói thầu đầu tiên nhằm tạo lập mặt bằng xây dựng trong thời gian tới.

Trong khi đó, những ngày trung tuần tháng 8/2021, khu vực phía Nam căng mình chống dịch Covid-19, hàng chục nhà thầu vẫn đang rốt ráo tích cực thi công tại các gói thầu xây lắp lớn của Dự án Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Tại địa bàn tỉnh Bình Thuận, các mũi thi công triển khai trên toàn tuyến dài hơn 100 km với tiến độ gắt gao.

Đại diện Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải) thông tin, từ giữa tháng 5/2021 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch, các nhà thầu đang thi công đều gặp rất nhiều trở ngại trong việc huy động nhân lực, thiết bị đến công trường. “Duy trì được công trường thi công đúng tiến độ, chất lượng mà vẫn đảm bảo vùng xanh an toàn là cả sự nỗ lực, gồng mình của đội ngũ nhà thầu, tư vấn giám sát và chủ đầu tư”.

Thậm chí, có thời điểm, xuất hiện một số ca nhiễm ngay trong công trường bắt buộc nhà thầu phải rà soát lại quy trình. Nhân sự phải sắp xếp lại do phải đi cách ly tập trung. Tuy nhiên, ngay sau khi ổn định, công tác thi công đã tích cực trở lại để nhà thầu bứt tốc. Công trình không thể gián đoạn dù chỉ 1 ngày, do đó công thức “3 tại chỗ” thực sự được áp dụng cẩn trọng nhất có thể.

Theo đại diện Chủ đầu tư, chỉ riêng trên địa bàn tỉnh BìnhThuận, cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo huy động được 1.627 cán bộ và công nhân, tập kết 875 đầu xe máy, thiết bị thi công, triển khai tổng cộng 63 mũi thi công liên tục.

Tại nhiều công trình lớn khác như cầu Mỹ Thuận 2, cầu Thủ Thiêm 2…, không khí thi công dường như không bị ảnh hưởng quá nhiều do đại dịch. Để có được phong độ này, từ phía Chủ đầu tư, các nhà thầu đã có thời gian tập dượt, chuẩn bị chu đáo cũng như quyết tâm giữ vững tiến độ dù có bất kỳ trở ngại nào.

Đầu tư công dẫn dắt các nguồn lực

Trong tháng 8/2021, 4 địa phương gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An có những chuẩn bị cần thiết nhằm kịp trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án tại Kỳ họp thứ 2 để triển khai Dự án Đường vành đai 3. Bộ Giao thông vận tải cho biết, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án dự kiến được trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 8/2021.

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cách đây 10 năm tại Quyết định số 1697/QĐ-TTg ngày 28/9/2011, cần phải hoàn thành xây dựng Vành đai 3 trước năm 2020. Dự án có vai trò kết nối khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ và TP.HCM, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm triển khai theo hình thức PPP. Dù quy mô vốn đầu tư lên tới 150.000 tỷ đồng, kỳ vọng của ngành giao thông về triển khai Dự án là có cơ sở. Bởi nếu khai thác tối đa quỹ đất dọc Dự án, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng nhập cuộc.

Việc lựa chọn Dự án Đường vành đai 3 theo phương thức PPP đang thể hiện đúng quan điểm chỉ đạo việc huy động, sử dụng nguồn vốn dồn cho đầu tư dự án quy mô lớn của Đảng và Nhà nước.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực ngoài nhà nước, nhất là đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo phương thức PPP.

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn, dự kiến vốn cho cả giai đoạn 2021 - 2025 là 2,87 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, Chính phủ dự kiến bố trí khoảng 183,253 nghìn tỷ đồng từ ngân sách trung ương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia.

Dự kiến, Chính phủ sẽ giành 65,795 nghìn tỷ đồng cho 2 dự án chuyển tiếp và khởi công mới 1 dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, đó là giải phóng mặt bằng cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông giai đoạn 1 và hồ chứa nước của Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Khoảng 38 nghìn tỷ đồng để đầu tư các đoạn tuyến thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2. Số vốn còn lại khoảng 78,79 nghìn tỷ đồng để đầu tư các dự án đường bộ cao tốc khác.

Nhiệm vụ cấp bách, quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay là sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đáp ứng yêu cầu tiến độ để cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường Vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, TP.HCM, kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tuyến nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, khu vực miền núi phía Bắc, tuyến đường ven biển, hành lang kinh tế Đông - Tây…

Tiến độ, chất lượng của từng dự án phụ thuộc rất nhiều vào ý chí, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các cấp, địa phương được giao quản lý. Đồng thời, trong bối cảnh dịch bùng phát, uy tín, sức mạnh và sự đồng thuận từ phía các nhà thầu, nhà đầu tư sẽ giúp các dự án không bị gián đoạn, chậm trễ.