Đà Nẵng gặp khó với nhà đầu tư cho thuê đất trái phép

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều vụ việc doanh nghiệp thuê đất trong các khu công nghiệp (KCN) nhưng không đầu tư theo lĩnh vực đăng ký đầu tư mà cho thuê lại mặt bằng khiến TP. Đà Nẵng thất thu ngân sách và khó khăn trong xử lý.
UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu có biện pháp hạn chế tình trạng “găm đất” làm ảnh hưởng đến việc tiếp cận đất đai trong khu công nghiệp của nhà đầu tư thứ cấp. Ảnh: Hà Minh
UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu có biện pháp hạn chế tình trạng “găm đất” làm ảnh hưởng đến việc tiếp cận đất đai trong khu công nghiệp của nhà đầu tư thứ cấp. Ảnh: Hà Minh

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao (KCNC) và các KCN Đà Nẵng cho biết, đầu quý III/2022, Ban đã tiến hành nhiều đợt tổng rà soát các dự án tại KCNC và các KCN. Tại KCNC, Ban đã điều chỉnh giảm diện tích cho phù hợp với khả năng, quy mô của 1 dự án; tái khởi động và tăng tiến độ đầu tư xây dựng đối với 2 dự án; đồng thời xem xét thu hồi đất 2 dự án chậm triển khai.

Tại các KCN, có 2 trường hợp không thực hiện đúng nội dung giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã bị xử lý phạt hành chính. Đồng thời, qua rà soát phát hiện 3 dự án cho thuê lại nhà xưởng không đúng quy định nhiều năm liền và đã tiến hành xử lý.

Theo đó, tại KCN dịch vụ và thủy sản Thọ Quang, Công ty CP Máy - Thiết bị dầu khí Đà Nẵng cho 14 đơn vị thuê lại mặt bằng. Tại KCN Đà Nẵng, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật điện công nghiệp Tuấn Huy cho Công ty CP ST Power thuê lại đất. Tại KCN Hòa Cầm, Công ty TNHH Huy Dũng cho 11 đơn vị thuê lại mặt bằng trái quy định.

Ngoài các doanh nghiệp nêu trên, tại Đà Nẵng còn tồn tại một số sai phạm của các nhà đầu tư trong việc thuê đất và cho thuê đất trái quy định nhưng chưa thể xử lý, ảnh hưởng đến việc quản lý đất đai và môi trường đầu tư.

Khó khăn hiện nay trong việc thu hồi các khu đất trống chưa triển khai dự án hoặc triển khai dự án sai mục đích trong giấy chứng nhận đầu tư là các doanh nghiệp đã cầm cố, thế chấp phần đất hoặc tài sản gắn liền với đất, hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên thứ ba như các tổ chức tín dụng.

Điển hình là vụ việc Công ty TNHH Cáp điện Việt Á ký hợp đồng thuê hơn 10,7 ha tại KCN Liên Chiểu đầu tư nhà máy sản xuất các loại dây điện, cáp điện tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, thời hạn thuê 40 năm (từ 15/12/2004 đến 15/12/2044). Tuy nhiên, Cáp điện Việt Á không triển khai đầu tư theo chủ trương được cấp mà cho các doanh nghiệp khác thuê lại mặt bằng. Năm 2015, Ban Quản lý KCN Liên Chiểu ra thông báo thu hồi dự án của doanh nghiệp này. Năm 2016, UBND TP. Đà Nẵng thống nhất cho phép đơn vị đầu tư hạ tầng KCN Liên Chiểu thu hồi một phần diện tích đất cho Cáp điện Việt Á thuê. Tuy vậy, đến nay chưa thể thu hồi do các tài sản nằm trên đất của Công ty đang được thế chấp tại ngân hàng. Công ty này cũng đang nợ hơn 4 tỷ đồng tiền phí hạ tầng KCN. Cáp điện Việt Á đã bị chủ đầu tư hạ tầng KCN này kiện ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam. Theo phán quyết, Cáp điện Việt Á phải nộp 4,1 tỷ đồng tiền thuế, phí liên quan đến diện tích đất cho thuê trái phép nhưng đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa thi hành.

Tại KCN Hòa Khánh mở rộng, Công ty CP Ecico sau khi được cấp chủ trương đầu tư cũng không đầu tư dự án gia công sản xuất sản phẩm ống thép mà cho các doanh nghiệp khác thuê lại đất làm xí nghiệp, kho bãi. Dù đã bị thu hồi dự án, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhưng đến nay Ecico vẫn tiếp tục cho các doanh nghiệp thuê trái phép nhà xưởng, kho bãi.

Một trường hợp khác là Công ty CP Xi măng Vicem Hải Vân thuê hơn 1,2 ha đất tại KCN Liên Chiểu để xây dựng Nhà máy sản xuất gạch không nung siêu nhẹ. Tuy nhiên, đã nhiều năm trôi qua, doanh nghiệp này không làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, không đưa đất vào sử dụng theo đúng quy định và không triển khai dự án trên lô đất thuê.

Theo ông Phạm Trường Sơn, khó khăn hiện nay trong việc thu hồi các khu đất trống chưa triển khai dự án hoặc triển khai dự án sai mục đích trong giấy chứng nhận đầu tư là các doanh nghiệp đã cầm cố, thế chấp phần đất hoặc tài sản gắn liền với đất, hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên thứ ba như các tổ chức tín dụng.

Trước thực trạng này, UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu Ban Quản lý KCNC và các KCN có biện pháp hạn chế tình trạng “găm đất” làm ảnh hưởng đến việc tiếp cận đất đai trong KCN của nhà đầu tư thứ cấp; rà soát các KCN đã thành lập nhiều năm nhưng tỷ lệ lấp đầy còn thấp, quỹ đất trống còn nhiều so với quy mô KCN.

UBND TP. Đà Nẵng cũng yêu cầu khi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các KCN mới, phải đánh giá, rà soát kỹ lưỡng để lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm. Trường hợp có 2 nhà đầu tư cùng quan tâm trở lên, cần nghiên cứu tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Tin cùng chuyên mục