Đà Nẵng nắm bắt thời cơ từ “đòn bẩy phát triển” mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau 27 năm chia tách để trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng tự tin bước vào chặng đường phát triển mới với hy vọng bứt tốc. Thời cơ, vận hội cho Đà Nẵng đến từ những định hướng xuyên suốt và sự điều chỉnh kịp thời, đúng đắn về chính sách để kiến tạo mô hình phát triển mới đi kèm các cơ chế, chính sách đặc thù làm đòn bẩy phát triển.
Đà Nẵng đang thu hút đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu gắn với Khu thương mại tự do. Ảnh: Nhã Chi
Đà Nẵng đang thu hút đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu gắn với Khu thương mại tự do. Ảnh: Nhã Chi

Cơ hội thu hút nguồn lực

Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Nghị quyết số 136/2024/QH15 (Nghị quyết 136) về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng là bước đi đầu tiên cụ thể hóa Kết luận số 79-KL/TW ngày 13/5/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng, nền tảng vững chắc tạo khuôn khổ pháp lý cho Đà Nẵng phát huy tiềm năng, lợi thế, mở ra nhiều cơ hội thu hút các nguồn lực, nhằm hiện thực hóa những định hướng, kỳ vọng của Trung ương với Đà Nẵng, quyết tâm phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn mới.

Theo ông Lê Trung Chinh, Nghị quyết 136 hướng đến mục tiêu xây dựng bộ máy chính quyền Thành phố gọn nhẹ, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt, cơ quan hành chính tích cực, chủ động điều hành, giải quyết kịp thời và hiệu quả những vấn đề cấp bách ở địa phương. Từ đây, tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; góp phần tích cực vào việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, quản lý đô thị, đất đai, tài nguyên, tài chính, ngân sách.

Nghị quyết 136 cũng cho phép Đà Nẵng xây dựng chính sách ưu đãi phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; thí điểm khu thương mại tự do; trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực; thu hút nhà đầu tư chiến lược; đồng thời phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trung tâm công nghệ cao của cả nước; trung tâm vùng về logistics, du lịch - dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...

Đến nay, Đà Nẵng đang triển khai xây dựng 27 nghị quyết thuộc trách nhiệm của HĐND Thành phố để triển khai Nghị quyết 136, gồm: 20 nghị quyết trình HĐND Thành phố cuối năm 2024 và 7 nghị quyết trình HĐND Thành phố trong năm 2025. Các nghị quyết quy định cơ chế, chính sách về thực hiện chính quyền đô thị; cơ chế, chính sách trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, quản lý đô thị, đất đai, tài nguyên, tài chính, ngân sách; phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, thu hút nhà đầu tư chiến lược... Đồng thời, thành lập Tổ công tác và Tổ xây dựng Đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, dự kiến hoàn chỉnh Đề án và hồ sơ, thủ tục theo quy định để trình thẩm định vào cuối tháng 11/2024.

Đưa Nghị quyết vào cuộc sống

Ngày 1/1/2025, Nghị quyết 136 sẽ chính thức có hiệu lực. Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, ông Lê Trung Chinh cho biết, Thành phố đang gấp rút triển khai các công việc để bắt kịp các nội dung và tận dụng thời hạn thí điểm Nghị quyết trong 5 năm, bao gồm: Duy trì chế độ họp định kỳ của Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc 136 để kịp thời báo cáo, đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Trung ương 136; khẩn trương lập hồ sơ Đề án Khu thương mại tự do trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định cuối tháng 11/2024 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12/2024; khẩn trương trình Bộ Nội vụ có ý kiến thẩm định để trình ban hành Quyết định điều chỉnh, bổ sung chức năng quản lý Khu thương mại tự do Đà Nẵng cho Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, hoàn thành trong quý IV năm 2024.

Bên cạnh đó, khẩn trương phối hợp với Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về tổ chức hoạt động của UBND quận và chế độ trách nhiệm của chủ tịch UBND quận; tổ chức hoạt động của UBND phường và chế độ trách nhiệm của chủ tịch UBND phường; bầu cử, tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức làm việc tại UBND và cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã; lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách quận, phường trên địa bàn TP. Đà Nẵng, hoàn thành trước ngày 30/11/2024.

Song song đó, Đà Nẵng phối hợp với Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thí điểm phân cấp và trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị TP. Đà Nẵng; tiếp tục rà soát, đôn đốc các đơn vị đề xuất điều chỉnh Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2/11/2023 phê duyệt Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phục vụ các nội dung triển khai cơ chế, chính sách đặc thù và Khu thương mại tự do; tập trung triển khai các nhiệm vụ để đầu tư phát triển công nghiệp vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…

Một nhiệm vụ quan trọng tạo động lực lớn cho Đà Nẵng trong giai đoạn này là thu hút nhà đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu gắn với Khu thương mại tự do. Hiện Đà Nẵng đang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan quy hoạch lại khu bến Liên Chiểu nhằm mục tiêu xây dựng cảng phát triển tổng thể, đồng bộ, hiện đại; bảo đảm kết nối với hệ thống giao thông sau cảng, hệ thống đường cao tốc để khai thác tối đa hiệu quả đầu tư và tạo động lực phát triển vùng.

Thực hiện mục tiêu đầu tư bến cảng Liên Chiểu hiện đại, đạt tiêu chuẩn cảng xanh, cảng trung chuyển quốc tế, Thành phố sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực để thực hiện đầu tư tổng thể và quản lý khai thác, vận hành bến cảng; thực hiện liên danh, liên kết đầu tư, khai thác vận hành các bến cảng bảo đảm theo đúng quy định pháp luật và cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); khẩn trương xem xét để giải quyết đề xuất chủ trương đầu tư của các nhà đầu tư đã nộp hồ sơ đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.