Đại biểu Quốc hội: Có cơ sở để GDP đạt 6,7%

Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 3, chiều 25/5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2016; quyết toán NSNN năm 2015.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân. Ảnh: VGP
Đại biểu Trần Hoàng Ngân. Ảnh: VGP

Kết quả tăng trưởng 2016 là hợp lý

Góp ý vào đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, các đại biểu đều ghi nhận trong số 13 chỉ tiêu Quốc hội giao có 11 chỉ tiêu đạt và vượt, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng chỉ tiêu về thất nghiệp chỉ là 3,18% (thấp hơn kế hoạch đặt ra là 4%), chỉ số CPI chỉ là 4,74% (kế hoạch là 5%) chứng tỏ mặt bằng đời sống, kinh tế tương đối ổn định. Hay nói cách khác, tăng trưởng không nhanh về tốc độ nhưng là tăng trưởng bền vững và chất lượng tăng trưởng tốt.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, năm 2016 nổi lên điểm sáng là tiếp tục duy trì được sự ổn định của kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, tỉ giá, lãi suất ổn định, giữ được những nền tảng cân đối lớn của nền kinh tế, cán cân vãng lai cũng thặng dư. Theo đại biểu, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP trong năm 2016 là tác động môi trường từ sự cố Formosa Hà Tĩnh, ảnh hưởng đến đa lĩnh vực, từ thủy sản, du lịch đến công nghiệp.

Ấn tượng với những kết quả đạt được trong năm 2016, đại biểu Nguyễn Văn Giàu (An Giang) cho rằng cán cân thương mại diễn biến tốt, xuất siêu năm 2016 ổn định. Khi cán cân thương mại thặng dư, có xuất siêu giúp ổn định cán cân thanh toán tổng thể, ổn định tỉ giá, tác động tốt đến kinh tế vĩ mô.

Đồng tình với nhận định của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2016 có nhiều chuyển biến tích cực, song đại biểu Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng) băn khoăn, trong năm 2016 có 110.100 doanh nghiệp mới thành lập và con số này của những tháng đầu năm 2017 là 39.580, nhưng số lượng doanh nghiệp giải thể là 4.067, tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể hiện nay cũng còn khá cao, 27.400 doanh nghiệp.

Đại biểu Quốc hội: Có cơ sở để GDP đạt 6,7% ảnh 1

Đại biểu Trần Văn Lâm. Ảnh: VGP

Có cơ sở để GDP đạt 6,7%

Về mục tiêu phấn đấu GDP năm 2017 đạt 6,7%, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, mặc dù GDP quý I/2017 chỉ đạt 5,1%, thấp nhất trong 4 năm qua nhưng có cơ sở để phấn đấu đạt mục tiêu 6,7%. Bởi tiềm năng cho sự phát triển kinh tế những tháng cuối năm là có và có khả năng khai thác được.

Tiềm năng mà đại biểu kể đến là kinh tế tư nhân với 3 động lực có thể hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển, đó là Nghị quyết Trung ương 5 khóa (XII), Nghị quyết 35 của Chính phủ và tới đây là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nghị quyết Trung ương 5 đã khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của sự phát triển kinh tế, Nghị quyết 35 của Chính phủ sau một năm thực hiện đã thúc đẩy tinh thần doanh nhân khởi nghiệp, vươn lên đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế.

“Những trụ cột quan trọng này sẽ tạo động lực hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển. Khi động lực kinh tế tư nhân được đầu tư phát triển đúng mức, được sự hỗ trợ sẽ có điều kiện đóng góp vào tăng trưởng GDP”, đại biểu nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Quang cho rằng, Chính phủ cần chú ý đến việc tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển. Thời gian tới, cần nhanh chóng triển khai thực hiện tốt 3 Nghị quyết được ban hành tại Hội nghị Trung ương 5 vừa qua.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) nhìn nhận, điều quan trọng nhất là khâu tổ chức quản lý điều hành. Để bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7%, 3 quý còn lại phải đạt trên 7%. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải kiên quyết điều hành, tăng cường kiểm tra, tăng cường đánh giá và đặc biệt là phải rõ được trách nhiệm của người đứng đầu.

Trong khi đó, theo đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh), Chính phủ cần thực hiện chính sách tài khóa tiền tệ chặt chẽ để hỗ trợ sản xuất kinh doanh phát triển, kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, giữ mức nợ công không vượt quá giới hạn cho phép; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch, sớm phân bổ vốn đầu tư năm 2017; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước; có giải pháp giải quyết dứt điểm các dự án thua lỗ kéo dài; chấn chỉnh tuyển dụng cán bộ công chức không đúng quy định…

Chống tham nhũng từ công tác cán bộ

Trong phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề cập đến công tác cán bộ. Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng phải thực hiện là chấn chỉnh công tác cán bộ.

“Phải làm sao khống chế được tham nhũng trong công tác cán bộ. Cán bộ là gốc rễ mọi vấn đề, làm sao chọn được đội ngũ cán bộ tốt là rất khó”, đại biểu nhận xét.

Trao đổi với đại biểu Lê Thanh Vân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa nhận có những việc rất nhỏ nhưng chúng ta làm quy trình thủ tục quá rườm rà, phức tạp. Vì vậy ông đề nghị một công việc không quá 2 cấp chịu trách nhiệm, tức là 1 cấp thực hiện, 1 cấp kiểm tra giám sát.

Bộ trưởng cũng cho rằng, cần phân cấp để ai làm sai thì người đó chịu trách nhiệm; cùng với đó là nêu cao trách nhiệm người đứng đầu.

Nói về kỷ cương, kỷ luật hành chính, Bộ trưởng Tân cho biết, hiện thể chế thiếu chế tài xử lý vi phạm. “Ví dụ Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế không có chế tài gì, ai làm tốt cũng được mà không làm cũng được”, ông dẫn chứng và đề nghị phải có một điều khoản về xử lý những người không thực hiện.

Thủ tướng: Đổi mới, cải cách quyết liệt hơn

Đại biểu Quốc hội: Có cơ sở để GDP đạt 6,7% ảnh 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định bước sang năm 2017, cả nước quyết tâm thực hiện chỉ tiêu mức tăng trưởng GDP 6,7%. Ảnh:VGP

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Hải Phòng) cho rằng, có một số nguyên nhân khách quan khiến kinh tế năm 2016 gặp khó khăn, chưa đạt kế hoạch như: Hạn mặn ở Nam Bộ làm mất 1 triệu tấn thóc, tương đương 0,5% GDP; vụ Formosa ảnh hưởng môi trường biển miền Trung làm thiệt hại 0,5% GDP… Ngoài những lý do bất khả kháng, Thủ tướng cho rằng có nhiều nguyên nhân chủ quan, cần được rút kinh nghiệm nghiêm túc.

Theo Thủ tướng, bước sang năm 2017, cả nước quyết tâm thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,7%.

Thủ tướng cho rằng, một trong các tồn tại lớn thời gian qua là việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, thủ tục đầu tư công phức tạp…

Thủ tướng cũng nhận định vấn để cải cách hành chính còn nhiều bất cập, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương đến địa phương vẫn còn sự thiếu đồng bộ, có nhiều khoảng cách. Có một bộ phận cán bộ còn chưa gắn trách nhiệm của mình trong thực thi công vụ.

“Cần phải cải cách hành chính, phải đổi mới quyết liệt hơn”, Thủ tướng nói.

Tin cùng chuyên mục