Song cho tới lúc này, sự im lặng của số đông cơ quan liên quan trong việc rà soát, bãi bỏ hoặc ban hành lại đúng thẩm quyền các điều kiện đầu tư, kinh doanh này đang khiến “đại nạn điều kiện kinh doanh” càng trở nên phức tạp.
Mới đây, trong cuộc họp lần thứ hai của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệpvà Luật Đầu tư, thông tin được đưa ra là số cơ quan đã làm việc này rất ít. Ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan được giao nhiệm vụ tổng hợp, cập nhật, chỉ có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ tài chính, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hoàn tất công việc quan trọng này.
Trước đó, ngay sau thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực (ngày 1/7/2015), hàng loạt điều kiện kinh doanh vẫn được ban hành trái thẩm quyền tại các thông tư. Mới đây nhất (ngày 6/3), Thông tư quy định về hoạt động kinh doanh dược liệu với hàng loạt điều kiện kinh doanh do Bộ Y tế ban hành ngày 21/1/2016 có hiệu lực...
Câu hỏi đặt ra là, nếu tình trạng này không được cải thiện, số phận của các điều kiện đầu tư - kinh doanh trên sẽ như thế nào? Doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ phải thực hiện quy định của pháp luật ra sao? Đặc biệt, trách nhiệm của cơ quan ban hành điều kiện đầu tư – kinh doanh trái thẩm quyền trước pháp luật sẽ được xác định thế nào?
Theo quy định của Luật Đầu tư, các điều kiện đầu tư - kinh doanh được ban hành trái thẩm quyền kể trên sẽ không có hiệu lực, nghĩa là doanh nghiệp đương nhiên không phải tuân thủ. Với các điều kiện kinh doanh được ban hành trước đó, nếu đến ngày 1/7/2016 không được ban hành lại đúng thẩm quyền, chúng cũng sẽ thuộc diện đương nhiên hết hiệu lực.
Nhưng trên thực tế, hiếm có doanh nghiệp nào dám thực hiện quyền đương nhiên trên, nếu không có văn bản chính thức nào hướng dẫn về việc này. Bên cạnh đó, các công chức nhà nước lại có thói quen tuân thủ các quy định của ngành hơn là quy định trong luật.
Trong số 3.000 điều kiện kinh doanh kể trên, có không ít điều kiện cần phải tồn tại để đảm bảo lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Mọi việc sẽ ra sao nếu những điều kiện này không kịp được rà soát và ban hành lại đúng thẩm quyền?
Rõ ràng, đang tồn tại vấn đề trong cơ chế rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cũng như kiểm soát chất lượng của các quy định về điều kiện đầu tư - kinh doanh được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, nhất là việc phối hợp giữa các bộ có liên quan trong việc thẩm tra, thẩm định và cho ý kiến đối với dự thảo quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.
Không thể không nhắc tới sự lơ là, thiếu trách nhiệm của chính các cơ quan quản lý nhà nước trong thực thi pháp luật. Cũng không thể né tránh thực tế là, đang có sự khác biệt về nhận thức, cách hiểu các khái niệm, thẩm quyền được ban hành điều kiện đầu tư - kinh doanh, gây trở ngại rất lớn cho nỗ lực hoàn thiện hệ thống điều kiện kinh doanh.
Có quan điểm cho rằng, trường hợp luật chuyên ngành giao thẩm quyền cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh, thì việc ban hành tại các thông tư không trái với quy định của Luật Đầu tư. Lại có quan điểm cho rằng, điều kiện đầu tư kinh doanh là các yêu cầu, điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực… mà doanh nghiệp phải đáp ứng khi kinh doanh…
Chắc chắn rằng, nếu không có giải pháp ngay cho tình trạng này, thì việc xuất hiện thêm các thông tư quy định điều kiện đầu tư - kinh doanh, hay sự chậm trễ trong rà soát, đánh giá hệ thống quy định hiện hành sẽ không có lời giải.
Hơn thế, với các lý do trên, thì chất lượng của hệ thống các quy định điều kiện kinh doanh về cơ bản chưa có cải thiện so với 15 năm trước, khi Luật Doanh nghiệp 1999 lần đầu tiên đưa quy định về thẩm quyền ban hành điều kiện kinh doanh. Quan trọng nhất là, hiệu lực thi hành các quy định của Luật Đầu tư về kiểm soát điều kiện đầu tư - kinh doanh sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.