Đấu thầu dịch vụ giặt là, vệ sinh bệnh viện: Hệ lụy từ thực tế kém cạnh tranh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu dịch vụ giặt là đồ vải, vệ sinh bệnh viện… thời gian qua có diễn biến phức tạp, nhiều nhà thầu phản ánh tình trạng hồ sơ mời thầu đưa ra “chốt chặn” hạn chế sự tham gia của nhà thầu. Tình trạng đấu thầu nhưng không có cạnh tranh diễn ra phổ biến ở nhiều cơ sở y tế, tiềm ẩn rủi ro pháp lý và làm giảm hiệu quả gói thầu…
Đa số gói thầu nêu điều kiện hạn chế nhà thầu chỉ có 1 nhà thầu tham dự, hoặc liên tục nhiều năm liền chỉ có 1 nhà thầu trúng thầu. Ảnh: Lê Tiên
Đa số gói thầu nêu điều kiện hạn chế nhà thầu chỉ có 1 nhà thầu tham dự, hoặc liên tục nhiều năm liền chỉ có 1 nhà thầu trúng thầu. Ảnh: Lê Tiên

Bài 2: Những cuộc thầu kém cạnh tranh

Khảo sát sơ bộ của Báo Đấu thầu cho thấy, đa số gói thầu nêu điều kiện hạn chế nhà thầu chỉ có 1 nhà thầu tham dự, hoặc liên tục nhiều năm liền chỉ có 1 nhà thầu trúng thầu, những nhà thầu khác gần như “không có cửa” hoặc bị loại ngay ở “vòng gửi xe” dù có hạ tầng, thiết bị, công nghệ tiên tiến…

Theo đại diện Công ty TNHH Phát triển đô thị thông minh Thiên Sơn, tình trạng trên khá phổ biến. Thường chỉ có những nhà thầu đã trúng thầu hoặc đang thực hiện gói thầu tương tự tại cơ sở y tế đó mới có khả năng trúng thầu.

Một nhà thầu tại Hà Nội cho biết, HSMT đưa ra tiêu chí uy tín để loại nhà thầu nên nhà thầu không thể tham dự vì lỡ bị cơ quan cảnh sát môi trường xử phạt vi phạm hành chính một nhà xưởng tại Hà Nội, dù chào thầu bằng một nhà xưởng khác được đầu tư hiện đại và công suất lớn hơn tại Quảng Ninh.

Tiếp nhận phản ánh về tình trạng HSMT có tiêu chí hạn chế nhà thầu, yêu cầu trái luật, một số bên mời thầu đã nghiêm túc tiếp thu và điều chỉnh kịp thời. Ví dụ, Bệnh viện Quận 8 TP.HCM đã điều chỉnh HSMT, bỏ điều kiện nhân sự nhà thầu đề xuất phải trình diện chủ đầu tư trong quá trình thương thảo hợp đồng và gia hạn đóng thầu. Biên bản mở thầu ngày 27/7/2023 ghi nhận, Gói thầu có 7 nhà thầu tham dự.

Ngược lại, nhiều bên mời thầu bảo thủ, “phớt lờ” đề nghị điều chỉnh HSMT của nhà thầu, hoặc nếu có tiếp thu thì chỉ điều chỉnh cho có mà không loại bỏ triệt để các điều kiện “ngáng chân” nhà thầu. Điều này khiến các nhà thầu tiếp tục kiến nghị, làm kéo dài thời gian lựa chọn nhà thầu. Một số trường hợp phải hủy thầu để tổ chức đấu thầu lại, dù trước đó đã sửa đổi HSMT. Đơn cử, Gói thầu Cung cấp dịch vụ vệ sinh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả năm 2023 đã phải hủy thầu vào ngày 18/7/2023, dù trước đó Bên mời thầu đã có văn bản làm rõ HSMT, đã sửa đổi HSMT.

Tại Gói thầu Dịch vụ giặt là đồ vải Bệnh viện Đa khoa Đống Đa năm 2022 - 2023, trước phản ánh của các nhà thầu về tiêu chí tại HSMT, Bên mời thầu phải sửa đổi HSMT, gia hạn đóng thầu nhiều lần, hủy thầu để đấu thầu lại.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, một cán bộ thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho rằng, có thể là do các bên mời thầu sao chép HSMT của bệnh viện khác, hoặc không cập nhật các quy định mới về đấu thầu như Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT…, dẫn đến lặp lại tiêu chí hạn chế nhà thầu ở nhiều HSMT. Trong thời gian gần đây, Sở nhận được nhiều đơn thư kiến nghị tương tự. Cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu tại Quảng Ninh sẽ tổng hợp và cảnh báo các bên liên quan để tăng tính cạnh tranh cho các cuộc thầu.

Đáng buồn là khi gặp tiêu chí “ngặt nghèo” của HSMT, nhiều nhà thầu đã bất chấp quy định, liều lĩnh gian lận trong đấu thầu như: làm giả chứng chỉ/chứng nhận, hợp đồng tương tự, doanh thu… để có hồ sơ dự thầu “đẹp”, hợp pháp hóa theo yêu cầu của HSMT. Không ít nhà thầu sau đó đã phải nhận “quả đắng”. Đơn cử như Công ty CP Dịch vụ môi trường y tế Mesco vừa bị Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cấm tham gia hoạt động đấu thầu do Bệnh viện và các đơn vị trực thuộc mời thầu trong 3 năm, vì bị cho là có hành vi gian lận trong đấu thầu, cố tình cung cấp tài liệu dự thầu không trung thực tại Gói thầu Cung cấp dịch vụ giặt là trang phục công tác cho cán bộ, nhân viên Bệnh viện năm 2023.

Một nghịch lý khác là khi lựa chọn nhà thầu, bên mời thầu đưa ra các tiêu chí rất cao, chỉ số ít nhà thầu đáp ứng được, nhưng lại buông lỏng việc giám sát thực thi hợp đồng sau đấu thầu, thậm chí hợp thức hóa thủ tục nghiệm thu dù nhà thầu cắt giảm nhân sự, hóa chất, sử dụng máy giặt đã hết khấu hao hay công nghệ lạc hậu, xả thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý…, không đúng như hồ sơ dự thầu đã “vẽ”. Theo chia sẻ của một nhà thầu ở miền Tây, thực tế này xảy ra ở nhiều gói thầu, đối tượng gánh chịu hậu quả lại chính là bệnh nhân và các cơ sở y tế.

Tình trạng thiếu cạnh tranh trong đấu thầu cung cấp dịch vụ vệ sinh bệnh viện, giặt là đồ vải y tế và buông lỏng giám sát việc thực thi của các nhà thầu không phải là mới, nhưng đến nay chưa được xử lý dứt điểm.

Tin cùng chuyên mục