Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, địa điểm thực hiện Dự án tại Cù lao Gò Con Chó, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Mục tiêu nhằm xây dựng và phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, bao gồm các dịch vụ liên quan đến khai thác cảng container, cảng biển và các dịch vụ khác. Diện tích sử dụng đất của Dự án khoảng 571 ha.
Về vốn đầu tư được xác định trên cơ sở đề xuất thực hiện Dự án, Đề án Nghiên cứu Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và không thấp hơn 50.000 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động Dự án là 50 năm kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư.
Hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại khoản 7 Điều 7 Nghị quyết số 98/2023/QH15 hoặc theo quy định của Luật Đấu thầu.
Điều kiện đối với Dự án và nhà đầu tư thực hiện Dự án được Thủ tướng Chính phủ quy định, chỉ được thực hiện sau khi Dự án đã phù hợp với quy hoạch các cấp và được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích đất rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, pháp luật về đất đai và quy định khác có liên quan; hoàn thành thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thủ tục, điều kiện về công nghệ sử dụng tại dự án theo quy định của pháp luật về công nghệ và chuyển giao công nghệ. Nhà đầu tư không được chuyển nhượng dự án trong thời gian 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Việc thay đổi nhà đầu tư sau thời gian này thực hiện theo quy định của pháp luật và phải được sự chấp thuận bằng văn bản của UBND TP.HCM.
Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cho UBND TP.HCM xác định quy mô Dự án đảm bảo phù hợp với Quyết định số 1711/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 phê duyệt Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chỉ tiêu quy hoạch có liên quan đã được phê duyệt, chịu trách nhiệm về sự phù hợp của Dự án với quy hoạch đô thị; chịu trách nhiệm rà soát, triển khai thực hiện việc lập các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư của Dự án. Đặc biệt lưu ý việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí, điều kiện trong hồ sơ lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án. Trong đó, rà soát quy mô sử dụng đất của Dự án để bảo đảm tuân thủ quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng và quy chuẩn quốc gia về cảng biển, năng lực tài chính của nhà đầu tư, phương án đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư của Dự án, tiến độ đầu tư Dự án, lộ trình đầu tư, hệ thống hạ tầng kết nối, công nghệ sử dụng (cảng xanh, cảng thông minh)...
Về tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu ý. Theo đó, TP.HCM cần chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu và Nghị quyết số 98/2023/QH15; các nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 98/2023/QH15 (nếu có). Trong đó, lưu ý các vấn đề quốc phòng, an ninh; môi trường; năng lực nhà đầu tư; tiêu chí, giải pháp khai thác có hiệu quả Dự án, tránh cạnh tranh nội bộ giữa các cảng biển của Việt Nam; bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan để xây dựng các tiêu chí về bảo vệ môi trường trong thực hiện lựa chọn nhà đầu tư để bảo đảm không tác động tiêu cực đến vùng đệm, vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và công nghệ để xây dựng tiêu chí công nghệ sử dụng (cảng xanh, cảng thông minh), phương án vận hành cảng biển trong Dự án. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để rà soát, đánh giá khả năng đầu tư xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, kết nối giao thông để phục vụ cho việc phát triển Dự án; việc quyết định và thực hiện đầu tư các dự án giao thông kết nối phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, bảo đảm khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông kết nối khi được đầu tư và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường, di sản thiên nhiên, đa dạng sinh học tại Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ.
Yêu cầu nhà đầu tư có văn bản cam kết về các nội dung như: bảo đảm đúng tỷ lệ hàng trung chuyển quốc tế và tỷ lệ hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam xếp dỡ tại Dự án, triển khai thực hiện Dự án đúng tiến độ đã được phê duyệt, tổng mức vốn, giải ngân vốn theo tiến độ đã được quy định... để bảo đảm tính tổng thể hài hòa của Dự án, để không ảnh hưởng đến hoạt động các khu bến cảng, cảng biển lân cận. Tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, trong đó có việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, chuyển nhượng Dự án cho nhà đầu tư khác. Phải lấy ý kiến, được sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan có liên quan nếu phát sinh các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh trong quá trình thực hiện Dự án và trong trường hợp chuyển nhượng Dự án, hoặc phần vốn góp, cổ phần chi phối trong tổ chức kinh tế thực hiện Dự án.