Đấu thầu phát triển dự án năng lượng tái tạo: Nhà đầu tư yên tâm rót vốn

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Theo kế hoạch, trong tháng 11 này, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ Quy hoạch tổng thể về Năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Dự thảo QHNL), trong đó có đề xuất xây dựng cơ chế đấu thầu phát triển năng lượng tái tạo (NLTT). Hưởng ứng và đánh giá cao cơ chế này, nhiều chuyên gia, nhà đầu tư cho rằng, đây là cơ chế cạnh tranh, công bằng, minh bạch sẽ đảm bảo cho nhà đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo yên tâm đầu tư lâu dài.

Xây dựng cơ chế đấu thầu sẽ góp phần tạo môi trường thuận lợi để huy động nguồn vốn trong nước, quốc tế tham gia đầu tư phát triển năng lượng tái tạo quy mô lớn. Ảnh: Lê Tiên
Xây dựng cơ chế đấu thầu sẽ góp phần tạo môi trường thuận lợi để huy động nguồn vốn trong nước, quốc tế tham gia đầu tư phát triển năng lượng tái tạo quy mô lớn. Ảnh: Lê Tiên

Thể chế hóa phát triển năng lượng tái tạo

Một trong những điểm đáng chú ý của Dự thảo QHNL, theo đại diện Viện Năng lượng thuộc Bộ Công Thương - đơn vị tư vấn lập quy hoạch, là ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn NLTT, năng lượng mới, năng lượng sạch. Định hướng này bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái như mục tiêu đặt ra Nghị quyết số 55-NQ/TW vừa ban hành.

Trên cơ sở đó, trong phương án xây dựng kịch bản phát triển tổng thể năng lượng, Dự thảo QHNL nhấn mạnh mục tiêu nâng dần tỷ lệ các nguồn NLTT trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; và đạt khoảng 25 - 30% vào năm 2045.

Để đạt mục tiêu này, Dự thảo QHNL đề xuất chính sách phát triển các nguồn năng lượng mới và tái tạo theo hướng thể thể chế hóa các quy định pháp luật với đề xuất xây dựng Luật NLTT nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực cho phát triển NLTT; xây dựng các cơ chế hỗ trợ hiệu quả và tạo nguồn tài chính bền vững cho việc đầu tư vào các nguồn NLTT.

Đặc biệt, nhằm lựa chọn được các nhà đầu tư phát triển các dự án NLTT thực sự có năng lực, Dự thảo QHNL đề xuất cần thiết phải xây dựng cơ chế đấu thầu dự án NLTT, trong đó đưa ra các tiêu chí đấu thầu cạnh tranh nhằm bảo đảm cho nhà đầu tư tham gia phát triển các dự án NLTT.

Cần thiết có cơ chế đấu thầu phát triển dự án NLTT

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Mạnh Hiến, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam khẳng định: “Đấu thầu là cơ chế tốt, bảo đảm sẽ lựa chọn được nhà đầu tư thực sự có năng lực để phát triển các dự án NLTT”. Theo ông Hiến, đây không phải là cơ chế chúng ta tự nghĩ ra mà là xu hướng của thế giới. Các kết quả đạt được từ thực tế đã chứng minh, đấu thầu có nhiều ưu điểm vượt trội như: công khai, minh bạch… góp phần quan trọng bảo đảm khả năng thành công cao của các dự án đầu tư. “Với cơ chế này, nhà đầu tư sẽ yên tâm bỏ vốn đầu tư phát triển các dự án NLTT ở Việt Nam”, ông Hiến đánh giá.

Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch HĐQT HBRE Group nhấn mạnh, đấu thầu minh bạch là việc rất cần thiết để đưa đất nước phát triển chứ không riêng gì đối với phát triển các dự án NLTT. Ông Tín cho rằng, Việt Nam cần có cơ chế đấu thầu với những quy định rõ ràng, minh bạch nhằm bảo đảm công bằng cho tất cả các nhà đầu tư, còn Chính phủ cũng không bị thất thoát nguồn năng lượng cũng như tài chính. Nhưng điều quan trọng hơn cả, theo ông Tín, là qua cơ chế này, chúng ta tạo môi trường thuận lợi để huy động nguồn vốn trong nước, quốc tế tham gia đầu tư phát triển NLTT quy mô lớn. “Xây dựng được cơ chế đấu thầu rộng rãi, minh bạch, chúng ta sẽ lựa chọn được những nhà đầu tư thực sự có năng lực”, ông Tín nhận định.

Đồng quan điểm, đại diện Tập đoàn Hà Đô cho rằng, khi đấu thầu cạnh tranh, những nhà đầu tư có năng lực thực sự sẽ được lựa chọn để thực hiện dự án NLTT. Thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời. Tuy nhiên, đó có phải là nhà đầu tư thực sự có năng lực hay không vẫn là một dấu hỏi. Do đó, nếu có cơ chế đấu thầu, chúng ta sẽ loại ngay được những nhà đầu tư không có năng lực để đảm bảo dự án được đầu tư hiệu quả.

Trước đó, ông Đỗ Đức Quân, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương từng chia sẻ, kinh nghiệm của thế giới cho thấy, đấu thầu phát triển các dự án NLTT là hình thức lựa chọn nhà đầu tư công khai, minh bạch, công bằng nhất, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế có thể tham gia được.

Được biết, hiện trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII vừa được Bộ Công Thương trình Chính phủ xem xét, phê duyệt thì cơ chế đấu thầu phát triển các dự án NLTT cũng đã được đơn vị tư vấn đề xuất.

Tin cùng chuyên mục