Ảnh minh họa |
Có thể dẫn ví dụ 4 gói thầu vừa được mở thầu ngày 4/5. Đó là gói thầu Mua sắm vật tư thiết bị 10 cho các công trình đầu tư xây dựng năm 2016 do Công ty Điện lực Cầu Giấy làm chủ đầu tư có giá gói thầu 412.042.732 đồng; Gói thầu mua sắm 2016-08-RR mua cáp điện phục vụ công trình sông Cửu Long bổ sung năm 2016 do Công ty Điện lực Ứng Hòa là chủ đầu tư có giá 130.471.638 đồng; 2 gói thầu 07: Cung cấp vỏ tủ phân phối hạ thế 2 ngăn và 08: Cung cấp thiết bị SCADA tại Trung tâm điều khiển do Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư có giá gói thầu lần lượt là 330.000.000 đồng và 619.234.000 đồng. Cả 4 gói thầu này đều dưới 1 tỷ đồng, thuộc hạn mức chỉ định thầu, nhưng các đơn vị chủ đầu tư đều thực hiện đấu thầu rộng rãi. Ngoài ra, điều đáng chú ý là các gói thầu nói trên đều được thực hiện đấu thầu điện tử.
Trước đó, ngày 22/4, gói thầu số 3: CB hạ thế có giá trị 148.126.000 đồng do Công ty Điện lực Thủ Thiêm là chủ đầu tư được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi cũng đã mở thầu. Có 8 nhà thầu tham dự gói thầu này với những mức giá đưa ra khá cạnh tranh, hầu hết giảm từ 10 - 20% so với giá gói thầu.
Công ty Điện lực Củ Chi cũng là một đơn vị đã thực hiện đấu thầu rộng rãi trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với nhiều gói thầu có giá trị chỉ ba, bốn trăm triệu đồng. Theo như một cán bộ của Điện lực Củ Chi, tuy chưa quy định bằng văn bản nhưng hầu hết các gói thầu Công ty đều hạn chế chỉ định thầu để tăng sức cạnh tranh trong đấu thầu, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác lựa chọn nhà thầu.
Theo đánh giá của ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, đây là những trường hợp rất đáng học hỏi, khi đơn vị vẫn lựa chọn đấu thầu rộng rãi dù trong hạn mức được chỉ định thầu. Hơn nữa, các đơn vị này lại chọn đấu thầu điện tử để tăng tính minh bạch, cạnh tranh của công tác đấu thầu, dù có đơn vị chỉ là công ty điện lực của một huyện. Điều này cho thấy, việc thực hiện đấu thầu điện tử không phải khó, không có lý gì các đơn vị lớn khác không thể triển khai được đấu thầu điện tử.