Đấu thầu tại một số địa phương khu vực Tây Bắc: Vì sao chưa hấp dẫn nhà thầu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Điểm đáng chú ý trong báo cáo công tác đấu thầu năm 2022 của nhiều địa phương khu vực Tây Bắc như: Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình… là số lượng nhà thầu tham gia đấu thầu chưa nhiều, chậm công khai thông tin…
Tại Sơn La, một số gói thầu phải huỷ thầu do không có nhà thầu tham dự. Ảnh minh họa: T. Phát
Tại Sơn La, một số gói thầu phải huỷ thầu do không có nhà thầu tham dự. Ảnh minh họa: T. Phát

Chưa nhiều nhà thầu quan tâm

Năm 2022, tỉnh Hòa Bình tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 2.884 gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước với tổng giá trị 8.136,435 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 8.085,89 tỷ đồng, giá trị tiết kiệm là 50,545 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ tiết kiệm 0,62%); 307 gói thầu sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung với tổng giá trị 113,374 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 111,263 tỷ đồng, giá trị tiết kiệm là 2,111 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ tiết kiệm 1,86%)…

UBND tỉnh Hòa Bình đánh giá, số lượng nhà thầu tham gia các gói thầu trên địa bàn Tỉnh chưa nhiều, giá trúng thầu giảm ít so với giá gói thầu, chưa nâng cao được tính cạnh tranh, tỷ lệ tiết kiệm sau đấu thầu còn thấp. Việc áp dụng đấu thầu qua mạng đã được cải thiện và đạt hiệu quả, tuy nhiên vẫn còn tình trạng một số gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham dự, khiến cho tính cạnh tranh trong đấu thầu chưa cao.

Với Sơn La, năm 2022, Tỉnh đã tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 4.978 gói thầu với tổng giá gói thầu 7.136,453 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 7.052,547 tỷ đồng, tiết kiệm được 83,906 tỷ đồng sau đấu thầu. UBND tỉnh Sơn La nhận xét, công tác lựa chọn nhà thầu vẫn còn hạn chế do hồ sơ mời thầu (HSMT) một số gói thầu xây lắp có nội dung chưa phù hợp, chưa đầy đủ theo quy định tại Thông tư số 04/2017/TT-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Số lượng nhà thầu tham dự chưa nhiều, vẫn còn một số gói thầu phải huỷ thầu do không có nhà thầu tham dự.

Cần cải thiện tính minh bạch

Đề cập về việc minh bạch thông tin trong đấu thầu, báo cáo công tác đấu thầu của nhiều địa phương cho biết, vẫn còn tình trạng chậm công khai thông tin, trong đó có kết quả lựa chọn nhà thầu.

Đơn cử, tại Sơn La, trong một văn bản vừa gửi các chủ đầu tư/bên mời thầu cùng các đơn vị liên quan trên địa bàn, UBND Tỉnh yêu cầu chấn chỉnh công tác đấu thầu, trong đó có việc chậm trễ công khai thông tin về đấu thầu. UBND tỉnh Sơn La nêu rõ, việc đăng tải một số quyết định phê duyệt còn chậm, nhất là quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu thực hiện hình thức chỉ định thầu...

Tương tự, các tỉnh Hòa Bình, Lai Châu cũng thừa nhận còn một số chủ đầu tư/bên mời thầu chưa đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu đúng quy định.

Qua thanh tra, kiểm tra công tác đấu thầu tại một số bên mời thầu trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2022 cho thấy, vẫn còn tình trạng chưa đăng tải hoặc đăng tải muộn một số loại thông tin về đấu thầu; nội dung, biểu mẫu HSMT của một số gói thầu chưa phù hợp với hướng dẫn tại các thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư…

Chẳng hạn, ngày 2/3/2023, Ban Quản lý công trình dự án phát triển kinh tế - xã hội huyện Mường Tè (Lai Châu) công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 16 Xây lắp công trình thuộc Dự án Nâng cấp đường giao thông đến trung tâm các xã huyện Mường Tè, dù kết quả này đã được phê duyệt từ ngày 10/5/2022. Như vậy, sau gần 1 năm, thông tin về kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu này mới được công bố.

Việc chậm công khai thông tin, chưa bảo đảm minh bạch thông tin có thể là một trong những nguyên nhân khiến số lượng nhà thầu tham gia đấu thầu trên địa bàn còn hạn chế. Nhiều địa phương khu vực Tây Bắc yêu cầu các chủ đầu tư/bên mời thầu cũng như các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đấu thầu, trong đó tăng cường công khai, minh bạch thông tin nhằm gia tăng tính cạnh tranh, hiệu quả đấu thầu.

Tin cùng chuyên mục