Đấu thầu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại TP.HCM: Loay hoay với “mớ bòng bong”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại hai thành phố lớn nhất cả nước là TP.HCM và Hà Nội, công tác đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đang có những diễn biến trái ngược.
Doanh nghiệp vận tải lần lượt rời bỏ các tuyến xe buýt tại TP.HCM do vắng khách. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp vận tải lần lượt rời bỏ các tuyến xe buýt tại TP.HCM do vắng khách. Ảnh: Lê Tiên

Nếu như Hà Nội tổ chức đấu thầu thành công, doanh nghiệp vận tải cung cấp và tạo thói quen sử dụng dịch vụ này cho người dân, thì ở TP.HCM, các cuộc đấu thầu từ hơn 10 năm nay chưa thu được kết quả như mong đợi, gánh nặng trợ giá cho xe buýt ngày càng tăng.

Nơi tấp nập, nơi đìu hiu

Tính đến tháng 3/2020, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu 78 gói thầu cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại Hà Nội. Tổng giá các gói thầu khoảng 10.000 tỷ đồng.

78 gói thầu này thuộc các Dự án Cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đối với các tuyến xe buýt tại Hà Nội do Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội là chủ đầu tư, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị là bên mời thầu. Các nhà thầu trúng thầu có bề dày trong ngành như: Tổng công ty Vận tải Hà Nội, Công ty CP Xe điện Hà Nội, Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Liên Ninh, Công ty CP Vận tải Newway…

Tính đến nay, Hà Nội đã triển khai công tác đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ xe buýt được 15 năm. Đến hết năm 2019, đã có 28 tuyến xe buýt đang thực hiện theo hợp đồng thông qua đấu thầu.

Trong khi đó, tại TP.HCM, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt lại tắc ngay từ khâu tổ chức đấu thầu, kéo dài hơn 1 thập kỷ chưa có lối ra.

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở Tài chính Thành phố đề xuất điều chỉnh, bổ sung dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt năm 2020 thêm 161 tỷ đồng, nâng tổng dự toán lên xấp xỉ 1.311 tỷ đồng, sau khi cập nhật lại hoạt động của toàn hệ thống.

Bức tranh ảm đạm của hệ thống vận tải xe buýt tại TP.HCM là hệ quả tất yếu của việc doanh nghiệp vận tải lần lượt rời bỏ các tuyến do tình trạng vắng khách. Sản lượng khách “lao dốc không phanh” theo từng năm.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm lý giải, do hạ tầng giao thông hiện nay rất khiêm tốn, đường nhỏ... Theo thống kê, TP.HCM có tới 70% tuyến đường dưới 5m nên việc tổ chức cho người dân tiếp cận trạm xe buýt có bán kính 500 - 700m rất khó.

Những cuộc thầu èo uột

Việc chuyển từ mô hình đặt hàng sang đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nhằm giảm ngân sách hỗ trợ đã được TP.HCM triển khai từ sớm. Tuy nhiên, chưa bao giờ các gói thầu thu được kết quả như mong đợi. Cụ thể, năm 2012, qua tổ chức đấu thầu khai thác 11 tuyến xe buýt có trợ giá, chỉ có 6 tuyến chọn được nhà thầu, 5 tuyến mở thầu lần hai nhưng không có nhà thầu trúng thầu. Từ đó đến nay, Thành phố tiếp tục tổ chức đấu thầu khai thác các tuyến xe buýt có trợ giá nhưng ngày càng ít nhà thầu tham dự.

Theo Trung tâm Điều hành và Quản lý hệ thống vận tải hành khách công cộng TP.HCM, hầu hết các tuyến xe buýt được tổ chức đấu thầu đều đang hoạt động và thường chỉ có một nhà thầu (là đơn vị đang đảm nhận khai thác trên tuyến) tham dự. Nhà thầu này lại bỏ thầu cao hơn giá được phê duyệt làm cho công tác đấu thầu không thành công và buộc phải thực hiện lại các thủ tục đấu thầu hoặc hủy thầu. Các đơn vị chỉ cố gắng giữ thị phần của mình, chưa mạnh dạn tham gia đấu thầu khai thác các tuyến của đơn vị khác nên tính cạnh tranh không cao.

Lý giải tình trạng này, một số doanh nghiệp tham gia lĩnh vực vận tải hành khách công cộng cho biết, kinh doanh thua lỗ là lý do chính. Thứ hai, hồ sơ mời thầu không hấp dẫn, bởi doanh nghiệp chưa thấy được lợi nhuận nếu trúng thầu.

Cụ thể, Hợp tác xã Vận tải số 28 cho biết, doanh nghiệp xe buýt đang lỗ do lượng hành khách liên tục giảm, mặc dù các tuyến có trợ giá nhưng không thể bù đắp được chi phí.

Trong khi đó, một chuyên gia cho biết, hồ sơ mời thầu có những tiêu chí khiến doanh nghiệp ái ngại khi dự thầu. Cụ thể, thời gian khai thác các tuyến trúng thầu quá ngắn, từ 3 - 5 năm tùy tuyến. Ngoài ra, nếu trúng thầu, nhà thầu sẽ phải đầu tư, thay mới hàng loạt đầu xe… Đây là những áp lực trực tiếp lên doanh nghiệp khiến họ ngay từ đầu không mặn mà với các gói thầu này.

Nghị định 32/2019/NĐ-CP về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước có hiệu lực từ ngày 1/6/2019, tức là đã hơn 1 năm. TP.HCM lẽ ra phải áp dụng đấu thầu toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá. Tuy nhiên, đến nay, Thành phố vẫn chưa tìm được cách gỡ “mớ bòng bong” đặt hàng - trợ giá hay đấu thầu - không có đơn vị tham gia.

Tin cùng chuyên mục