Trục đường từ Khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân còn nhiều đoạn đường nhỏ hẹp, chênh cao lớn, mất an toàn giao thông. Ảnh: Phan Linh |
Cần thiết phải đầu tư
UBND TP. Hà Nội cho biết, trục đường từ Khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân vẫn còn tồn tại nhiều đoạn đường nhỏ hẹp, chênh cao lớn, kết nối đường chính và đường gom khó khăn do bán kính vuốt nối nhỏ, tầm nhìn hạn chế, gây ùn tắc, mất an toàn giao thông.
Hiện mặt đường chính chênh cao độ lớn với đường gom trong đê, cao độ đường chính đồng thời là cao độ mặt đê bình quân khoảng 14 m, riêng đoạn từ nút giao đầu phố Xuân Diệu đến cuối khu vực chợ hoa Quảng Bá cao độ khoảng 15 m, đường gom ngoài đê trung bình cao 13 m, đường gom phía trong đê trung bình cao khoảng 11,5 m.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ tại nút giao An Dương, năm 2017, TP. Hà Nội đã triển khai Dự án Xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương kết hợp thay thế một phần đê đất bằng đê bê tông cốt thép để mở rộng mặt đường, đoạn từ nút giao An Dương đến Khách sạn Thắng Lợi (chiều dài 1,1 km). Dự án này sau khi đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 10/2018 đã phát huy hiệu quả đầu tư, được dư luận và nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Tuy nhiên, đoạn còn lại nối tiếp đến cầu Nhật Tân thường xuyên bị ùn tắc, đặc biệt tại các vị trí nút giao với các nhánh rẽ. Những bất cập này ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, giảm hiệu quả đầu tư vì chưa đồng bộ kết cấu tường đê trên toàn tuyến.
Việc thay thế một phần đê đất cũ bằng kết cấu tường chắn đê bê tông cốt thép khi thực hiện đoạn từ nút giao An Dương đến Khách sạn Thắng Lợi đã được các cơ quan chuyên môn thẩm định, Hội Thủy lợi Việt Nam góp ý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá về việc đảm bảo an toàn chống lũ, chất lượng và tuổi thọ công trình.
Theo UBND TP. Hà Nội, nếu đoạn từ Khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân được đầu tư xây dựng hoàn thiện sẽ đảm bảo được 3 mục tiêu: làm phương án 2 dẫn đoàn cấp cao từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài về thẳng trung tâm TP. Hà Nội; góp phần giảm ách tắc giao thông trên tuyến; nâng cao hiệu quả đầu tư của toàn tuyến. Vì vậy, việc đầu tư đoạn còn lại từ lối rẽ Khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân là cần thiết.
Vì sao phải áp dụng cơ chế đặc thù?
UBND TP. Hà Nội cho rằng, nếu việc đầu tư thay thế kết cấu một phần đê đất bằng đê bê tông cốt thép kết hợp mở rộng mặt đường đoạn từ Khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân được triển khai như một dự án mới thì sẽ phải thực hiện các thủ tục đầu tư công như: đấu thầu tư vấn lập dự án, triển khai lập, thẩm định, phê duyệt dự án, đấu thầu tư vấn lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, đấu thầu xây lắp với thời gian khoảng 6 tháng và triển khai thi công với thời gian khoảng 12 tháng.
Đặc thù của dự án đường đê này là đường giao thông độc đạo nên vừa phải thi công, vừa phải đảm bảo phân luồng giao thông. Do vậy, chỉ thi công được 1/2 đường, sau đó mới thi công tiếp phần còn lại. Mặt khác, Dự án là tuyến đê cấp đặc biệt, công tác quản lý tuân thủ theo Luật Đê điều nên phải đáp ứng yêu cầu xây dựng xong tường chắn đê bê tông cốt thép mới được phép đào hạ đê đất để mở rộng mặt đường, vỉa hè và thi công các hạng mục khác.
Theo tính toán của UBND TP. Hà Nội, việc triển khai Dự án theo đúng trình tự quy định sẽ mất khoảng 18 tháng, không kịp hoàn thành công trình phục vụ đưa đón các đoàn cấp cao ASEAN phục vụ các hội nghị cấp cao năm 2020 (nhiệm kỳ Việt Nam là Chủ tịch ASEAN), các hoạt động thể thao giải đua công thức 1, SEA Games lần thứ 31. Trong khi đó, UBND TP. Hà Nội dự kiến xây dựng hoàn thành công trình trong 1 năm (hoàn thành trong năm 2019). Để kịp tiến độ này cần thực hiện cơ chế đặc thù, giảm thời gian chờ hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định.
Do đó, UBND TP. Hà Nội báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố được lựa chọn nhà thầu thực hiện việc thay thế một phần đê đất cũ bằng kết cấu tường chắn đê bê tông cốt thép kết hợp mở rộng mặt đường đoạn từ Khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân theo cơ chế đặc thù đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép áp dụng đối với đoạn từ nút giao An Dương đến Khách sạn Thắng Lợi. Trường hợp được chấp thuận, UBND TP. Hà Nội sẽ chỉ đạo Chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội) tăng cường công tác quản lý dự án đúng định mức, đúng quy định của pháp luật, tiết kiệm kinh phí.