Đầu tư mạo hiểm vào startup Việt Nam lập kỷ lục 1,4 tỷ USD trong năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2021 là năm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid-19 nhưng cũng là năm kỷ lục của đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam với tổng số tiền đầu tư đạt 1,4 tỷ USD, tăng gấp 1,5 lần so với kỷ lục trước đó (874 triệu USD) vào năm 2019, cùng sự xuất hiện của 2 “kỳ lân” công nghệ mới là Momo và Sky Mavis.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại sự kiện Công bố Báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại sự kiện Công bố Báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh tại sự kiện Công bố Báo cáo đổi mới sáng tạo (ĐMST) và đầu tư công nghệ Việt Nam do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures tổ chức ngày 21/4, tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, đại dịch Covid-19 kéo dài với diễn biến phức tạp đã và đang làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong sự thay đổi này, khoa học, công nghệ, ĐMST đang ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi tổ chức, quốc gia.

Các đại biểu tham dự cùng công bố Báo cáo

Các đại biểu tham dự cùng công bố Báo cáo

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp ĐMST và khởi nghiệp luôn tiên phong trong việc tìm ra giải pháp cho các vấn đề phát sinh từ đại dịch, bao gồm cung cấp dịch vụ giao hàng, giáo dục trực tuyến, làm việc từ xa, y tế từ xa, và thanh toán điện tử. Nhờ vào ĐMST và chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp đã vượt qua cơn khủng hoảng và có thể đạt được tăng trưởng vượt bậc.

Sau một năm 2020 đầy khó khăn, hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp trong nước đã phục hồi trở lại và vươn lên một tầm cao mới. Đây là điều đáng mừng và góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng nền kinh tế số Việt Nam, là dấu hiệu tích cực cho việc hoàn thành nhóm mục tiêu nền kinh tế số đóng góp 30% GDP vào năm 2030.

Theo Báo cáo vừa được công bố, đầu tư vào ĐMST và công nghệ Việt Nam trong năm 2021 đã đạt được những kết quả chưa từng có. Đó là ngoài việc thu hút được số vốn đầu tư lớn, Việt Nam đã có thêm 2 "kỳ lân" công nghệ là Momo và Sky Mavis nhờ vào tần suất sử dụng các sản phẩm số ngày càng tăng nhanh của người dùng trong thời gian dịch bệnh. Như vậy, hiện Việt Nam đã có 4 "kỳ lân" công nghệ.

Phiên thảo luận tại sự kiện với chủ đề: “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo hướng đến mục tiêu kinh tế số Việt Nam chiếm 30% GDP vào năm 2030” trong khuôn khổ lễ công bố Báo cáo.

Phiên thảo luận tại sự kiện với chủ đề: “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo hướng đến mục tiêu kinh tế số Việt Nam chiếm 30% GDP vào năm 2030” trong khuôn khổ lễ công bố Báo cáo.

Khẩu vị của các nhà đầu tư đã nhanh chóng dịch chuyển để tập trung vào các nhóm ngành không bị tác động mạnh bởi đại dịch. Hơn nữa, sự thuận tiện của các ứng dụng hội thảo trực tuyến cũng khiến cho việc hạn chế đi lại không còn là rào cản trong quá trình đưa ra quyết định đầu tư.

Nhà đầu tư tiếp tục kỳ vọng vào các doanh nghiệp ĐMST và khởi nghiệp Việt Nam khi tổng số quỹ đầu tư tham gia hoạt động tăng 60%, phân bổ đồng đều giữa các quốc gia. Trong số đó, quốc gia có số lượng nhà đầu tư tích cực nhất trong năm 2021 là Singapore. Hoạt động đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam cũng dần sôi động hơn sau hai năm chững lại.

Các vòng gọi vốn lớn xuất hiện trở lại. Tổng số giao dịch của các thương vụ trên 10 triệu USD năm 2021 vượt mức 1 tỷ USD, tăng 255% so với năm trước.

Quỹ CyberAgent Capital và VIC Partners ký đầu tư Công ty Reti - ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực bất động sản

Quỹ CyberAgent Capital và VIC Partners ký đầu tư Công ty Reti - ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực bất động sản

Đây là năm thứ hai Báo cáo ĐMST và đầu tư công nghệ Việt Nam được phát hành trên cơ sở hợp tác giữa Do Ventures và NIC.

Trong sự kiện cũng diễn ra hoạt động ký kết hợp tác đầu tư giữa một số quỹ đầu tư hàng đầu và doanh nghiệp ĐMST Việt Nam như: Quỹ CyberAgent Capital và VIC Partners ký đầu tư Công ty Reti - ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực bất động sản; Quỹ Nextrans ký đầu tư Công ty Selex Motors về xe điện thông minh.

Quỹ Nextrans ký đầu tư Công ty Selex Motors về xe điện thông minh
Quỹ Nextrans ký đầu tư Công ty Selex Motors về xe điện thông minh

Cũng trong khuôn khổ sự kiện còn có phiên thảo luận bàn tròn với chủ đề: “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo hướng đến mục tiêu kinh tế số Việt Nam chiếm 30% GDP vào năm 2030” với sự tham gia của ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm ĐMST Quốc gia; ông Nguyễn Hiếu Linh, Giám đốc quốc gia Quỹ eWTP; ông Trần Hữu Đức, Giám đốc điều hành Quỹ VIISA; ông Nguyễn Bá Diệp, Nhà sáng lập - Phó Chủ tịch HĐQT Momo.

Tin cùng chuyên mục