Việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sẽ giúp cho công tác đầu tư, vận hành, bảo dưỡng cũng như nâng cấp đường cao tốc bài bản, thuận lợi hơn. Ảnh: Lê Tiên |
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Uông Việt Dũng, Chánh văn phòng Bộ GTVT cho biết, theo tổng hợp nghiên cứu bước đầu, trên thế giới chưa có quốc gia nào ban hành quy chuẩn kỹ thuật đối với công tác khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình đường bộ nói chung và đường cao tốc nói riêng. Bộ GTVT đang giao cho các đơn vị chức năng rà soát, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết kế đường cao tốc. Trong quá trình xây dựng, các chuyên gia, thành viên Ban soạn thảo đã học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ cũng như tham khảo sổ tay hướng dẫn thiết kế về đường cao tốc của Mỹ, Australia và các nước châu Âu. Hiện Trung Quốc đã ban hành tiêu chuẩn thi công, nghiệm thu, còn các nước như Mỹ, Australia và một số nước châu Âu ban hành chỉ dẫn yêu cầu kỹ thuật không bắt buộc đối với đường cao tốc.
Theo báo cáo của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, đến nay, Bộ GTVT đã ban hành 4 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình đường bộ nhưng không phải là quy chuẩn riêng cho đường cao tốc. Quá trình triển khai công tác đầu tư mới và nâng cấp cải tạo các công trình đường bộ cao tốc, công tác thiết kế đường bộ cao tốc thời gian qua đang triển khai áp dụng theo Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia TCVN 5729:2012 “Đường ô tô cao tốc - yêu cầu thiết kế” và TCVN 4054:2005 “Đường ô tô - yêu cầu thiết kế”.
Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật công trình giao thông, trong đó có đường cao tốc trong đô thị, đường trục chính đô thị, đường chính đô thị, đường chính khu vực. Các quy chuẩn này chỉ quy định các giới hạn thiết kế bình đồ và mặt cắt dọc đường, quy định kích thước tối thiểu mặt cắt ngang đường đô thị, độ dốc ngang phần xe chạy…
Một số tuyến đường cao tốc chỉ có 2 làn xe, tốc độ lưu thông 50 - 60 km sắp được đầu tư, nâng cấp, mở rộng. Ảnh: Lê Tiên |
Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Trần Kỳ Sơn, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường cao tốc là rất cần thiết trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư với mục tiêu đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc trên cả nước. Quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc sẽ là cơ sở để quy hoạch, thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống đường bộ cao tốc, làm các nút giao kết nối, căn cứ để xác định suất đầu tư, huy động vốn đầu tư, bảo đảm tính công khai, minh bạch và hiệu quả hơn. Thời gian qua, một số tuyến đường cao tốc chỉ có 2 làn xe, tốc độ lưu thông 50 - 60 km đã được xây dựng và sắp phải đầu tư, nâng cấp, mở rộng. Một phần nguyên nhân của tình trạng này là chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường cao tốc, không có hành lang pháp lý chuẩn nên các bên phải “mò mẫm”, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Cán bộ Ban Đấu thầu của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, VEC đang quản lý, đầu tư và vận hành 5 tuyến đường cao tốc, trong đó có 4 tuyến đang vận hành (gồm 3 tuyến cấp đặc biệt có vận tốc thiết kế trên 100 - 120 km/h, 1 tuyến cấp 1 có vận tốc thiết kế trên 80 - 100 km/h). Từ trước đến nay, việc phân cấp tuyến cao tốc gần như chỉ dựa vào vận tốc thiết kế. Việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sẽ giúp cho công tác đầu tư đường cao tốc được bài bản hơn, quá trình vận hành, bảo dưỡng cũng như đầu tư nâng cấp các tuyến cao tốc hiện hữu thuận lợi hơn, tránh gây bức xúc cho dư luận xã hội khi lưu thông trên các tuyến đường cao tốc nhưng không đạt tiêu chuẩn cao tốc.
Theo một lãnh đạo của Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam, Việt Nam chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường cao tốc nên quá trình đầu tư, xây dựng và vận hành một số đoạn tuyến cao tốc còn gây tranh cãi. Mặc dù thế giới chưa có quốc gia nào ban hành quy chuẩn kỹ thuật đầy đủ về đường cao tốc để chúng ta học hỏi một cách trọn vẹn, song việc xây dựng và ban hành tiêu chuẩn này là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay để thống nhất hành lang “chuẩn”, ngưỡng tiêu chuẩn tối thiểu trong đầu tư các tuyến cao tốc. Lần đầu tiên xây dựng, có thể sẽ không hoàn hảo ngay nhưng chúng ta có lộ trình tiếp thu, điều chỉnh để hướng tới một khung pháp lý hợp lý nhất.