Đầu tư nông nghiệp “khát” quỹ đất lớn

(BĐT) - Trong đầu tư nông nghiệp, yếu tố doanh nghiệp cần nhất là quỹ đất lớn để xây dựng được vùng chuyên canh sản xuất nông sản chất lượng cao nhằm tăng tính cạnh tranh. Nhưng để có quỹ đất lớn và sạch thì không đơn giản.
Vấn đề đầu tiên cần giải quyết để thu hút đầu tư vào nông nghiệp là đất đai. Ảnh: LTT
Vấn đề đầu tiên cần giải quyết để thu hút đầu tư vào nông nghiệp là đất đai. Ảnh: LTT

Khó kiếm quỹ đất sạch

Đầu tư vào nông nghiệp trong năm 2016 tiếp tục là xu hướng của không ít doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa chứ không phải là chuyện của “các đại gia”. Nhưng thực tế ở nhiều địa phương, muốn làm một vùng nguyên liệu nông sản, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn luôn là bài toán hóc búa vì rất khó kiếm được vài chục hecta đất sạch. Điều này cũng là nguyên nhân làm nhiều DN nản lòng, chưa tập trung nhiều vào khâu nuôi trồng, sản xuất, mà chỉ nhắm vào mảng kinh doanh dịch vụ nông nghiệp (hiện có khoảng 3.500 DN, chiếm 1% tổng DN trong nước).

Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nông nghiệp là thương hiệu quốc gia, tại sao DN chưa vào, có nhiều câu chuyện nhưng đầu tiên phải giải quyết vấn đề đất đai. Ông Trần Đình Thiên cho rằng, cách tiếp cận là thuế đất đai phải thật sự rõ ràng, đây là hướng giải quyết vấn đề cho cả nông dân và DN, lúc đó nông dân có muốn ôm đất cũng không được.

Theo Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, để có thể hình thành việc tham gia của các DN nhỏ và vừa (SME) nhằm phát triển các cụm liên ngành trong chuỗi giá trị khu vực nông nghiệp, nông thôn thì trước mắt cần có giải pháp tích tụ ruộng đất và xây dựng mô hình cánh đồng lớn. Vì đầu tư nông nghiệp, yếu tố cần nhất là quỹ đất lớn để đưa khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

Ngay trong việc khó khăn khi xây dựng mô hình cánh đồng lớn, gần đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ ra nguyên nhân còn tồn tại chính là tình trạng đất đai manh mún, hạ tầng phục vụ sản xuất yếu kém. Nhiều tỉnh chưa thực hiện dồn điền, đổi thửa hoặc do điều kiện miền núi, địa hình chia cắt, khó khăn trong việc xây dựng quy hoạch, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, làm các SME khó khăn trong việc xây dựng vùng nguyên liệu. 

Cần hàng lang pháp lý đất đai thông thoáng

Thực tế chính sách đất đai tại Việt Nam vẫn còn nhiều tranh cãi, trăn trở xoay quanh vấn đề quản lý sử dụng, quy mô, phương thức thu hồi, quy hoạch, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng. Vì vậy, vừa qua Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam đề xuất cho phép tổ chức, cá nhân được mua đất đai, miễn rằng người mua thật sự là nông dân trực canh, mua là để sản xuất nông nghiệp.

Hiệp hội này cho rằng, cần tạo ra hành lang pháp lý về đất đai sao cho các đối tượng này mua bán thuận lợi, thủ tục thật đơn giản, chi phí thấp. Nghĩa là mở đường cho tích tụ ruộng đất. Tuy nhiên, mức hạn điền trong Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được ban hành lại thấp hơn so với trước, điều này là một cản trở không nên có.

Nhưng cũng chính tại thời điểm hiện nay, các nông trường quốc doanh đang quản lý tới 7,5 triệu ha đất, bằng 23% diện tích tự nhiên của cả nước. Đây là lợi thế rất lớn nếu chúng ta phân bổ nguồn lực này một cách hợp lý.

Theo lãnh đạo Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người thuê đất để tổ chức sản xuất có hiệu quả. DN luôn mong muốn nhận được những ưu đãi về giá thuê đất, thủ tục thuê, thủ tục chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp, thủ tục cho vay vốn và Nhà nước hỗ trợ đo đạc, làm các thủ tục đất đai liên quan. Những hỗ trợ này sẽ tạo tâm lý để DN yên tâm đầu tư, xây dựng đồng ruộng sản xuất lớn, kể cả trồng rừng hoặc trồng cây lâu năm.

Thực tế, việc tạo điều kiện cho các DN thuê  đất hoặc kêu gọi nông dân góp vốn bằng đất và tham gia làm việc trong DN đã được một số DN áp dụng. Trường hợp một công ty đầu tư ở Nghệ An là một ví dụ, ngoài việc DN tự thỏa thuận với công nhân nông trường để thuê đất địa phương và DN còn hỗ trợ chia đất (bằng diện tích trung bình các hộ ở địa phương) cho các hộ nhận khoán trước đây để họ có đất tiếp tục canh tác.

Như vậy là có rất nhiều cách, có thể là nhà đầu tư, DN từ nơi khác đến mua đất, thuê đất, có thể là người giỏi ở địa phương đứng ra gom đất để sản xuất lớn, miễn là quá trình mua bán, sang nhượng, góp cổ phần này diễn ra thuận lợi và được pháp luật công nhận.

Trên cơ sở đó mới có thể tiến hành cơ giới hóa, thủy lợi hóa...  đất đai được tập trung và phát huy hiệu quả cao hơn, tạo ra nhiều việc làm mới, góp phần điều hòa và cân đối số lao động nông nghiệp bỏ quê hương đi tìm kiếm cơ hội mới ở đô thị.

Tin cùng chuyên mục