Đầu tư PPP vào lĩnh vực văn hóa, thể thao: “Mở đường” thu hút vốn tư nhân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều địa phương kỳ vọng phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP) sẽ mở ra những cơ hội mới trong thu hút dòng vốn tư nhân vào lĩnh văn hóa, thể thao. Dù là mô hình ưu việt, nhưng để thực hiện thành công, cần tháo gỡ đồng bộ các rào cản; đồng thời, việc thí điểm, mở rộng áp dụng đầu tư PPP nên được triển khai một cách thận trọng để tránh những hệ lụy có thể xảy ra.
Nghị quyết số 98/2023/QH15 cho phép TP.HCM được áp dụng theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa thể thao
Nghị quyết số 98/2023/QH15 cho phép TP.HCM được áp dụng theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa thể thao

BÀI 1: HUY ĐỘNG VỐN TƯ NHÂN CÒN KHIÊM TỐN

Các thiết chế văn hóa, thể thao có vai trò đặc biệt với sự nghiệp phát triển văn hóa thể thao, là hạ tầng để phát huy, lan tỏa “sức mạnh mềm” của Việt Nam. Dù đã có chủ trương, chính sách khuyến khích, ưu đãi thu hút tư nhân đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, nhưng nguồn lực huy động được còn hạn chế so với nhu cầu.

Nhiều lúng túng, khó khăn

Để bảo đảm nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương nêu rõ giải pháp “đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa, xây dựng con người. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế và phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư, đặc biệt là ở vùng còn khó khăn”.

Ưu đãi đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể thao được quy định ở mức cao nhất, nhưng đầu tư cho văn hóa, kể cả khu vực tư nhân trong nước và nước ngoài còn khiêm tốn. Thực tế triển khai, theo nhiều địa phương, nhà đầu tư, đang có những khó khăn, lúng túng.

Bảo tàng Gốm cổ sông Hương được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đưa vào hoạt động năm 2022, là bảo tàng ngoài công lập do GS. Thái Kim Lan thành lập. Đây có thể coi là một ví dụ thành công cho hoạt động đầu tư của tư nhân trong lĩnh vực văn hóa. Bằng tình yêu với cố đô Huế, GS. Thái Kim Lan muốn thành lập thêm Bảo tàng áo dài, nhưng 2 năm nay chưa xử lý được vấn đề quỹ đất xây dựng. Bảo tàng Gốm cổ thuận lợi hơn là vì xây trên đất của gia tộc.

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế, từ năm 2020, Tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ cho hệ thống bảo tàng ngoài công lập với nhiều ưu đãi. Trong thời gian ngắn làm được 5 bảo tàng ngoài công lập. Tuy nhiên, quỹ đất dành cho xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, cơ chế chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, vẫn là khó khăn khi thu hút đầu tư của tư nhân.

Đây không chỉ là khó khăn của Thừa Thiên Huế. Khó xin đất, giá đất cao là vướng mắc của không ít nhà đầu tư khi đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao. Bên cạnh đó là nhiều rào cản chính sách, quy định khác...

Ông Nguyễn Trọng Hổ, Giám đốc Khu liên hợp Thể thao quốc gia chia sẻ, theo đề án được lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, Khu Liên hợp được khai thác tài sản dôi dư. Tuy nhiên, Khu Liên hợp thường xuyên tổ chức các sự kiện chính trị quốc tế rất lớn, cho dù được khai thác trong lúc nhàn rỗi nhưng lúc nào Nhà nước cần, phải trả lại mặt bằng nguyên trạng. Chính vì vậy, khó thu hút tư nhân tham gia đầu tư lớn. Bên cạnh đó, việc nộp thuế sử dụng đất cũng là một khó khăn với nhà đầu tư.

Nhiều địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập cũng chia sẻ vướng mắc do quy định văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn bất cập, vướng mắc, khó khăn khi triển khai áp dụng thực tiễn; quy định pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính, về quy hoạch, tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập… dẫn đến những khó khăn khi kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư.

Bảo tàng Gốm cổ sông Hương tại Thừa Thiên Huế là một ví dụ thành công cho hoạt động đầu tư của tư nhân trong lĩnh vực văn hóa. Ảnh: Ngọc Minh

Bảo tàng Gốm cổ sông Hương tại Thừa Thiên Huế là một ví dụ thành công cho hoạt động đầu tư của tư nhân trong lĩnh vực văn hóa. Ảnh: Ngọc Minh

Kỳ vọng vào phương thức PPP

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực văn hóa trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 66.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% tổng chi đầu tư. Tỷ lệ này cơ bản đáp ứng theo Chiến lược phát triển văn hóa. Tuy nhiên, văn hóa là lĩnh vực rất rộng nên nhu cầu vốn cũng rất lớn. Do đó, vốn của Nhà nước đóng vai trò là vốn mồi cần được sử dụng hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Thời gian tới cần có thêm chính sách để huy động thêm các nguồn vốn đầu tư khác cho văn hóa.

Trước nhu cầu đầu tư lớn và còn nhiều vướng mắc trong thu hút tư nhân thời gian qua, nhiều địa phương đang đặt kỳ vọng vào phương thức PPP để thu hút thêm nguồn lực tư nhân.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, bên cạnh hệ thống thiết chế công lập, sự phát triển các công trình văn hóa, thể thao trong thời gian qua còn gắn liền với sự phát triển của hoạt động xã hội hóa. Đến nay, TP.HCM có trên 2.500 cơ sở (không tính các địa điểm có cơ sở vật chất thể dục, thể thao tại các khách sạn, cụm dân cư cao cấp…). Tuy nhiên, sự phát triển của các thiết chế văn hóa, thể thao vẫn chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu và sự kỳ vọng của TP.HCM - trung tâm văn hóa lớn của cả nước; tỷ lệ xây dựng thiết chế văn hóa chưa đạt kế hoạch, đặc biệt là ở cấp xã, phường. Hầu hết cơ sở vật chất của ngành chưa đủ sức hội nhập quốc tế, chưa được nâng cấp, mở rộng đúng quy chuẩn; một số nơi tận dụng công trình sẵn có nên quy mô, kiến trúc không phù hợp với yêu cầu sử dụng…

TP.HCM đã ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư công lớn cho văn hóa, thể thao, đồng thời đang rất kỳ vọng vào mô hình PPP được thí điểm theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, cho phép Thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa thể thao. Ông Đức cho biết, mục tiêu thu hút PPP của TP.HCM “không chỉ đơn thuần là những công trình nhỏ lẻ, mà phải xứng tầm là cụm công trình, khu liên hợp đa năng, hiện đại…”.

Triển khai Nghị quyết số 98, HĐND TP HCM đã ban hành Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu dự án PPP, trong đó ngành thể thao văn hóa có 2 mức: 45 tỷ đồng đối với thiết chế thể thao, văn hóa do Thành phố quản lý và 10 tỷ đồng đối với cấp quận/huyện. Đồng thời, ban hành Nghị quyết số 181/NQ-HĐND ngày 18/12/2023 về danh mục dự án kêu gọi PPP, trong đó có 23 dự án thuộc cấp thành phố.

Cùng với TP.HCM, Hà Nội cũng muốn đưa quy định lĩnh vực văn hóa, thể thao được đầu tư theo PPP vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho rằng, nên sửa đổi Luật PPP để áp dụng rộng rãi hơn trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, tạo ra sân chơi chung rộng lớn, không chỉ với TP.HCM, Hà Nội, mà khi có dự án phù hợp, có doanh nghiệp muốn đầu tư thì có sẵn cơ chế pháp lý cần thiết để áp dụng. Ngoài ra, theo bà Thoa, tổng mức đầu tư quy định cho dự án văn hóa, thể thao cũng cần điều chỉnh thấp hơn vì các mức đưa ra tại Luật khá cao so với lĩnh vực này.

Dù vậy, nếu nhìn vào bản chất của phương thức PPP, nhiều ý kiến cho rằng, cần sự thận trọng trong thí điểm, mở rộng áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa.

BÀI 2: TỪNG BƯỚC TÌM GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ, KHẢ THI

Tin cùng chuyên mục