Đầu tư PPP vào lĩnh vực văn hóa, thể thao: “Mở đường” thu hút vốn tư nhân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều địa phương kỳ vọng phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP) sẽ mở ra những cơ hội mới trong thu hút dòng vốn tư nhân vào lĩnh văn hóa, thể thao. Dù là mô hình ưu việt, nhưng để thực hiện thành công, cần tháo gỡ đồng bộ các rào cản; đồng thời, việc thí điểm, mở rộng áp dụng đầu tư PPP nên được triển khai một cách thận trọng để tránh những hệ lụy có thể xảy ra.
Cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng phương án tài chính để bảo đảm tính tối ưu và khả thi khi triển khai dự án PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Ảnh: Lê Tiên
Cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng phương án tài chính để bảo đảm tính tối ưu và khả thi khi triển khai dự án PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Ảnh: Lê Tiên

BÀI 2: TỪNG BƯỚC TÌM GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ, KHẢ THI

Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thu hút nguồn lực tư nhân đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao cần những giải pháp đồng bộ, phân bổ nguồn lực phù hợp. Một số chuyên gia cho rằng, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật để có cơ sở áp dụng PPP cho lĩnh vực văn hóa, thể thao trên phạm vi rộng, cần đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả.

Vì sao chưa quy định lĩnh vực văn hóa, thể thao tại Luật PPP?

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, vào thời điểm xây dựng Luật PPP, Bộ KH&ĐT đã rà soát, tổng kết thực hiện hợp đồng BOT, BTO, BT. Các công trình văn hóa trong giai đoạn trước chủ yếu áp dụng loại hợp đồng BT, đã dừng thực hiện từ năm 2020 theo quy định của Luật PPP. Thực tế, các công trình văn hóa chưa chứng minh được khả năng tạo nguồn thu đủ bù đắp đầu tư ban đầu của khu vực tư nhân.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, từ góc độ lý thuyết, thông lệ quốc tế…, triển khai 1 dự án PPP phức tạp hơn so với đầu tư công và đầu tư tư nhân thuần túy, đồng thời cũng cần bảo đảm nhiều yếu tố để dự án khả thi.

Theo tài liệu hướng dẫn chứng chỉ PPP của APMG - một sản phẩm của ADB, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB), Ngân hàng Phát triển Hồi giáo, Nhóm Ngân hàng Thế giới, thực tiễn thường nhầm lẫn giữa tư nhân hóa và PPP, đặc biệt là PPP có nguồn thu từ người sử dụng. Trong đó, tư nhân hóa không yêu cầu vai trò đối tác của khu vực nhà nước và sự khác biệt còn ở quyền sở hữu, hợp đồng, thời hạn, mục tiêu hướng tới kết quả đầu ra. Đầu tư PPP nhất thiết phải bao hàm nhà nước tiếp tục có vai trò là đối tác trong mối quan hệ tiếp diễn với khu vực tư nhân, tài sản phải trao lại cho nhà nước sau khi hết hạn hợp đồng…

Đồng thời, các chuyên gia quốc tế cũng chỉ ra rằng, PPP phức tạp hơn nhiều so với các phương thức mua sắm công truyền thống. Thời gian chuẩn bị dự án PPP cũng kéo dài hơn, nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng có thể dẫn đến rủi ro về sau. PPP có chi phí giao dịch lớn hơn đáng kể, cả đối với Nhà nước và cộng đồng nhà đầu tư. Tuy nhiên, chi phí cao hơn là một phần cái giá phải trả để có chất lượng dịch vụ bảo đảm tin cậy hơn.

Vì thế, các chuyên gia khuyến nghị những nước đang phát triển và kém phát triển không nên áp dụng PPP với dự án nhỏ, chỉ nên áp dụng đối với dự án có quy mô vốn đủ lớn, để hiệu suất đạt được có thể lớn hơn mức tăng của chi phí giao dịch; triển khai dự án PPP khi bảo đảm các yếu tố khả thi tổng thể và khả thi cụ thể, nghĩa là dự án được chuẩn bị và đánh giá thỏa đáng về kinh tế, tài chính, thương mại, khả năng chi trả và kỹ thuật.

Đánh giá đầy đủ tính khả thi

Được thí điểm PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao theo Nghị quyết số 98/2023/QH15, Lãnh đạo TP.HCM cho biết vẫn còn nhiều khó khăn trong thực hiện. Nếu thực hiện đầy đủ quy trình thủ tục theo Luật PPP thì thời gian dài hơn so với yêu cầu tiến độ dự án; lúng túng trong việc lựa chọn hình thức hợp đồng phù hợp… Việc ban hành khung pháp lý hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 98 của các bộ, ngành có liên quan chưa kịp tiến độ đề ra, do đó, Thành phố chưa có cơ sở để triển khai thực hiện.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trước mắt, Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với hai thành phố lớn nhất cả nước để tìm ra giải pháp khả thi trong áp dụng mô hình PPP đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao. Sau thời gian thí điểm tại TP.HCM và Hà Nội, sẽ trình Quốc hội xem xét mở rộng. Về lâu dài, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bên cạnh việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, cần định rõ các nội dung mà Nhà nước đảm nhiệm để xác định việc sử dụng nguồn lực vốn đầu tư công, nguồn ngân sách chi thường xuyên hoặc là vốn mồi cho mô hình đầu tư PPP.

TS. Lê Minh Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội lưu ý, cần dự báo những khó khăn, vướng mắc có thể xảy ra trong áp dụng PPP đối với lĩnh vực này, kể cả khi chính sách được thể chế hóa tại các văn bản quy phạm pháp luật.

Theo ông Lê Minh Nam, không phải tất cả hoạt động thể thao đều có thể áp dụng phương thức PPP. Chỉ có một số hoạt động thể thao có thế mạnh thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, tạo được nguồn thu từ quảng cáo, cung cấp dịch vụ phụ trợ như bóng đá, bóng chuyền, quần vợt, cầu lông… mới thuận lợi cho việc áp dụng PPP. Vì vậy, cần xem xét thận trọng, xác định đối tượng dự kiến đề xuất áp dụng PPP nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của chính sách.

Ông Nam cho rằng, để triển khai các dự án PPP, cần chuẩn bị đầy đủ, chặt chẽ điều kiện, thủ tục, quy trình một cách đồng bộ thống nhất, phải rà soát quy hoạch, nguồn lực đất đai, các điều kiện pháp lý về dự án, thiết lập các tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ của dự án, cơ chế tài chính của dự án mới có thể tổ chức thực hiện đạt mục tiêu đề ra. Ngoài ra, phải rà soát, đánh giá kỹ lưỡng tác động của yếu tố giá dịch vụ công, đặc biệt là những mặt hàng Nhà nước quản lý giá; xem xét kỹ lưỡng chính sách thuế và các khoản thu nộp ngân sách nhà nước (nếu có) đến phương án tài chính để bảo đảm tính tối ưu và khả thi khi triển khai dự án PPP…

Lời giải phải đồng bộ

Dù chưa thí điểm PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và cùng bối cảnh chính sách, nhưng thời gian qua, Quảng Ninh vẫn tìm ra những hướng đi phù hợp để huy động, phân bổ hiệu quả nguồn lực đầu tư cho các thiết chế văn hóa, thể thao.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, nhấn mạnh, cần xác định rõ có lĩnh vực dứt khoát phải đầu tư Nhà nước, có lĩnh vực có thể làm đầu tư tư nhân thì phải có cơ chế phù hợp. Trong công tác quy hoạch, ưu tiên tổ chức thực hiện có hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch địa phương và phải bố trí nguồn lực, trước hết là quỹ đất, chứ không phải bố trí theo kiểu “nhắm nhắm rồi cắt cho 1 góc làm văn hóa”… Cần những chính sách tổng thể để nâng cao năng lực tiếp nhận, thụ hưởng văn hóa của các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Tỉnh dành nguồn lực ngân sách đầu tư các công trình thiết chế văn hóa, thể thao hiện đại, quy mô quốc gia, quốc tế như Cung quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh, Bảo tàng, Khu liên hợp thể thao, sân vận động Cẩm Phả. Cùng với đó, Quảng Ninh luôn chú trọng xã hội hóa các hoạt động văn hóa, ban hành một số chính sách khuyến khích thúc đẩy xã hội hóa. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chủ động mời gọi nhà đầu tư có tiềm lực trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, kinh doanh các thiết chế văn hóa, thể thao quy mô lớn, với hơn 500 công trình, tổng kinh phí đầu tư trên 10.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá cao cách làm của Quảng Ninh khi xác định rõ đâu là lĩnh vực đầu tư công, đâu là khu vực đầu tư tư và đâu là khu vực sẽ kết hợp các hình thức này để có cơ chế chính sách đầu tư phù hợp, hiệu quả. Thứ trưởng chia sẻ, văn hóa, thể thao là 2 lĩnh vực được xã hội hóa, Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, vốn nhà nước mang tính chất dẫn dắt, vốn mồi để định hướng. Những lĩnh vực nào tư nhân không làm được Nhà nước mới làm.

Thứ trưởng cũng lưu ý, cần làm rõ sự khác biệt giữa tư nhân hóa và PPP, xác định đúng phạm vi các dịch vụ mà Nhà nước cần cung cấp để áp dụng mô hình phù hợp. Một mặt bảo đảm các dịch vụ thiết yếu, mang tính an sinh xã hội không bị tác động quá mức bởi động cơ theo đuổi lợi nhuận, mặt khác không để những lĩnh vực mà tư nhân có thể đảm nhận nhưng lạm dụng cơ chế chia sẻ rủi ro của PPP.

BÀI 1: HUY ĐỘNG VỐN TƯ NHÂN CÒN KHIÊM TỐN

Tin cùng chuyên mục