Dự thảo Luật PPP: Quy định chặt chẽ chỉ định nhà đầu tư

(BĐT) - Dự thảo mới nhất của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) thiết kế một chương về lựa chọn nhà đầu tư. Trong đó, có những quy định chặt chẽ, rõ ràng về chỉ định nhà đầu tư, qua đó sẽ hạn chế việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư không cạnh tranh, tiềm ẩn rủi ro thông đồng, thất thoát này.
Việc bổ sung nội dung quy định chi tiết hơn về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP tại Dự thảo Luật PPP sẽ bảo đảm quy định đồng bộ, thống nhất cả vòng đời dự án. Ảnh: Lê Tiên
Việc bổ sung nội dung quy định chi tiết hơn về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP tại Dự thảo Luật PPP sẽ bảo đảm quy định đồng bộ, thống nhất cả vòng đời dự án. Ảnh: Lê Tiên

Quy định về lựa chọn nhà đầu tư tại Luật PPP

Dự thảo Luật PPP trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã thiết kế một chương về lựa chọn nhà đầu tư và đề xuất bãi bỏ nội dung tương ứng tại Luật Đấu thầu năm 2013, nhằm bảo đảm tính thống nhất, chỉnh thể của văn bản quy phạm pháp luật về PPP, bảo đảm tính liên tục của quy trình thực hiện một dự án PPP. Đa số đại biểu quốc hội (ĐBQH) thống nhất việc quy định Chương “Lựa chọn nhà đầu tư” ngay tại Dự thảo Luật, đồng thời yêu cầu Chính phủ nghiên cứu bổ sung nội dung quy định chi tiết hơn tại chương này.

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Chính phủ đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, bổ sung nội dung quy định chi tiết về lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP ngay tại Luật bảo đảm tính đầy đủ, rõ ràng, đồng bộ và pháp lý cao trong thực thi dự án PPP. Đồng thời, bổ sung và làm rõ các quy định đặc thù trong lựa chọn nhà đầu tư.

Dự thảo Luật bản công bố lấy ý kiến tháng 3/2020 đã chỉnh lý chương này, tăng từ 9 Điều tại Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 thành 15 Điều, bố cục lại thành 3 mục: Quy định chung về lựa chọn nhà đầu tư; Hình thức lựa chọn nhà đầu tư; Phương pháp đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu.

Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, việc tiếp thu, bổ sung nội dung quy định chi tiết hơn về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP tại chương này sẽ bảo đảm quy định đồng bộ, thống nhất cả vòng đời dự án, từ việc chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà đầu tư, thành lập doanh nghiệp dự án, ký kết hợp đồng, triển khai thực hiện, chuyển giao, thanh lý hợp đồng dự án. 

Siết chỉ định nhà đầu tư

Dự thảo Luật PPP bổ sung các trường hợp hủy thầu khi lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP. Trong đó, sẽ hủy thầu khi việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư không tuân thủ quy định của luật này hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến hạn chế cạnh tranh giữa các nhà đầu tư và không bảo đảm hiệu quả kinh tế của dự án trên cơ sở kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà đầu tư… cũng sẽ bị hủy thầu.
Thời gian qua, dự án PPP (theo hợp đồng BOT, BT) thực hiện chỉ định nhà đầu tư chiếm tỷ lệ lớn. Theo Bộ Giao thông vận tải, nguyên nhân chính dẫn đến chỉ định nhà đầu tư ở giai đoạn 2011 - 2015 là ngoài các dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép, các dự án còn lại chỉ định do khi công bố danh mục chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm. Từ năm 2015 trở lại đây, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chỉ định nhà đầu tư là do dự án khi sơ tuyển chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển. Lý do chính cho việc chỉ định nhà đầu tư này không được quy định tại Dự thảo Luật PPP.

Cụ thể, Dự thảo Luật PPP quy định 4 hình thức lựa chọn nhà đầu tư gồm đấu thầu rộng rãi, đàm phán cạnh tranh, chỉ định nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Trong đó, chỉ định nhà đầu tư chỉ được áp dụng trong hai trường hợp.

Thứ nhất dự án có mục tiêu trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước khi có báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng đối với yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, Bộ Công an đối với yêu cầu về bảo đảm an ninh quốc gia, Bộ quản lý chuyên ngành đối với yêu cầu về bảo đảm bí mật nhà nước.

Thứ hai là dự án cần phải thực hiện ngay để bảo đảm tính liên tục trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Với loại dự án này, việc chỉ định chỉ được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện: hợp đồng đã được ký kết nhưng đã bị chấm dứt trước thời hạn hoặc có nguy cơ bị chấm dứt trước thời hạn mà không do lỗi của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng; không thể áp dụng được hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi và đàm phán cạnh tranh; phải có ý kiến thống nhất của bên cho vay.

Tin cùng chuyên mục