Việt Nam và khát vọng thịnh vượng

(BĐT) - Cũng như cuộc đời mỗi con người, mỗi quốc gia sẽ thay đổi số phận nếu như luôn có một khát vọng cháy bỏng, một cái đích để hướng tới. Khát vọng về một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng sau hơn 40 năm giải phóng đất nước và gần 3 thập kỷ thực hiện công cuộc đổi mới chưa khi nào ngừng nghỉ trong tiềm thức mỗi con người Việt Nam.
Việt Nam kỳ vọng sẽ nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 18.000 USD vào năm 2035
Việt Nam kỳ vọng sẽ nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 18.000 USD vào năm 2035

Làm thế nào hiện thực hóa khát vọng ấy là một trong những nội dung quan trọng được công bố trong Báo cáo Việt Nam 2035 do Chính phủ Việt Nam và Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) đồng thực hiện.

Hoàn thiện thể chế thị trường

Cũng như cuộc đời mỗi con người, mỗi quốc gia sẽ thay đổi số phận nếu như luôn có một khát vọng cháy bỏng, một cái đích để hướng tới. Khát vọng về một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng sau hơn 40 năm giải phóng đất nước và gần 3 thập kỷ thực hiện công cuộc đổi mới chưa khi nào ngừng nghỉ trong tiềm thức mỗi con người Việt Nam. Làm thế nào hiện thực hóa khát vọng ấy là một trong những nội dung quan trọng được công bố trong Báo cáo Việt Nam 2035 do Chính phủ Việt Nam và Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đồng thực hiện.

Nhiều đường lối chỉ đạo đúng đắn đã được thể chế hóa thành pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho nền kinh tế vận hành có hiệu quả, giúp Việt Nam từng bước nhanh chóng chuyển từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế vận hành theo các quy luật của thị trường. GS. TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, sau 30 năm đổi mới, Quốc hội đã ban hành số lượng luật, pháp lệnh gấp 8 lần so với 41 năm trước đó (từ 2-9-1945 đến 30-2-1986, nước ta ban hành 63 luật, pháp lệnh; từ ngày 1-1-1987 đến ngày 30-12-2013, nước ta đã ban hành được 483 luật, pháp lệnh). Trong 10 năm gần đây (từ tháng 5-2005 đến tháng 6-2015), Quốc hội đã thông qua 238 luật và pháp lệnh (30 pháp lệnh, 208 luật). Đặc biệt, trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội đã tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bảo đảm cơ sở hiến định cho việc đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.

Nhiều văn bản pháp luật quan trọng đã có hiệu lực như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Chứng khoán, Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)... thực sự “cởi trói” nhiều lĩnh vực, tạo nên xung lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở hành lang pháp lý được thiết lập, các thị trường đã được hình thành như: thị trường hàng hóa, thị trường khoa học, công nghệ; thị trường nguồn nhân lực, thị trường bất động sản; thị trường tài chính mà đỉnh cao là thị trường chứng khoán...  đã đi vào hoạt động và thu được nhiều thành tựu lớn lao.

Phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư toàn cầu Việt Nam cuối năm 2015, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá: Sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, nghèo đói và kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia thuộc Nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Trong giai đoạn 1986 - 2010, Việt Nam liên tục đạt tăng trưởng cao, bình quân GDP tăng khoảng 7%/năm. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, nhưng trong giai đoạn 2011 - 2015, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng GDP bình quân khoảng 6%/năm theo hướng tăng dần qua từng năm, trong đó năm 2015 đạt trên 6,5%, cao nhất kể từ năm 2011 đến nay...

Đạt được thành tích quan trọng trong tăng trưởng, một mặt do Việt Nam tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, mặt khác không ngừng mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế. Nền kinh tế hội nhập quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, từng bước thích ứng với nguyên tắc và chuẩn mực thị trường toàn cầu. Đến nay Việt Nam đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế với các quốc gia trên thế giới.

Mặc dù đạt được những tích lớn lao nhưng nền kinh tế đã bộc lộ một số yếu kém, đòi hỏi những đổi mới nhằm hướng đến mục tiêu thịnh vượng.

Muốn thịnh vượng phải thực thi cải cách

Việt Nam đang kỳ vọng hướng tới một xã hội thịnh vượng, có thu nhập ở mức trung bình cao của thế giới, với thu nhập bình quân đầu người vào thời điểm 2035 lên tới 18.000 USD (tính theo sức mua tương đương bằng USD năm 2011); một xã hội hiện đại, sáng tạo và dân chủ với vai trò làm động lực thúc đẩy phát triển trong tương lai; một nhà nước pháp quyền hiệu quả và đảm bảo trách nhiệm giải trình; một xã hội văn minh, trong đó mỗi người dân và mỗi tổ chức chính trị xã hội (toàn bộ hệ thống chính trị) được bình đẳng trước pháp luật…
Báo cáo Việt Nam 2035 đánh giá, tiếp nối những thành tựu quan trọng đã đạt được trong quá trình phát triển, Việt Nam đang phác họa một tương lai đầy hoài bão, được tiếp thêm sinh lực bởi khát vọng của một xã hội trung lưu đang nổi lên. Theo các chuyên gia của WB và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những khát vọng của đất nước, chính sách hỗ trợ và cải cách thể chế cần dựa trên 3 trụ cột.

Một là, thịnh vượng về kinh tế đi đôi với phát triển bền vững về môi trường. Trọng tâm trước mắt là đảm bảo nâng cao khả năng cạnh tranh và năng suất của doanh nghiệp trong nước. Trong đó, điều quan trọng là phát triển các thiết chế thị trường thiết yếu, đặc biệt nhằm bảo vệ quyền sở hữu tư nhân và thực thi các chính sách cạnh tranh. Một khu vực tài chính ổn định, quy định pháp luật chặt chẽ và thị trường đất đai minh bạch, vận hành tốt cũng là những điều kiện thiết yếu.

Hai là, thúc đẩy công bằng và hòa nhập xã hội.

Ba là, tăng cường năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước. Năng suất trì trệ hiện nay và môi trường yếu kém cho phát triển khu vực tư nhân là do Nhà nước còn thiếu hiệu quả. Nguyên tắc thị trường cần được áp dụng đầy đủ hơn trong hoạch định chính sách kinh tế trên cơ sở phân định rõ các lĩnh vực công và tư, hạn chế xung đột lợi ích, tăng cường bảo vệ quyền tài sản, thực thi cạnh tranh thị trường và hợp lý hóa sự tham gia của Nhà nước trong nền kinh tế.

Xoay quanh 3 trụ cột trên, các chuyên gia nhấn mạnh, chương trình cải cách sẽ không thành công chừng nào tăng năng suất chưa được cơ bản cải thiện.

Việt Nam - như nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nhấn mạnh, đang đứng trước bước ngoặt của cải cách và phát triển. Thời cơ và thuận lợi rất lớn, nhưng thách thức, khó khăn cũng không hề nhỏ. Để đạt được khát vọng 2035, lựa chọn duy nhất của Việt Nam là thực hiện cải cách dựa trên ba trụ cột chính: thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; công bằng và hòa nhập xã hội; năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước. Không thực hiện được những cải cách đó, Việt Nam không thể khai thác được cơ hội, cũng không thể vượt qua thách thức, nguy cơ tụt hậu xa hơn là khó tránh khỏi.

Tin cùng chuyên mục