![]() |
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xây dựng theo hướng nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên |
Cân đong cụ thể hiệu quả của doanh nghiệp
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp đã được thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật tiếp tục được lấy ý kiến tại Kỳ họp thứ 9.
Phát biểu trước Quốc hội ngày 13/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng tiếp thu tối đa, thể chế hóa đầy đủ các định hướng, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đã rà soát để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực thi Luật số 69, đảm bảo phù hợp với thực tiễn và tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, thay đổi căn bản tại Dự thảo Luật là quy định Nhà nước thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ sở hữu vốn góp tại doanh nghiệp nhà nước, tại doanh nghiệp bình đẳng như các nhà đầu tư khác, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Khi đã góp vốn thì nguồn vốn sẽ hình thành tài sản của doanh nghiệp.
Dự thảo Luật cũng nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường, bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.
Về công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Dự thảo Luật bổ sung quy định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn chỉ đạo tổ chức giám sát, kiểm tra, thanh tra các nội dung về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bổ sung quy định hội đồng thành viên, chủ tịch công ty chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc quản lý bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp, chịu trách nhiệm giải trình các nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo yêu cầu.
Dự thảo Luật quy định kết quả đánh giá xếp loại doanh nghiệp, đánh giá người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, người đại diện phần vốn Nhà nước, kiểm soát viên tại doanh nghiệp là cơ sở để xem xét bổ nhiệm, cử giới thiệu, thuê bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chấp thuận từ chức, cho thôi miễn nhiệm, chấm dứt hợp đồng… Hàng năm, Nhà nước sẽ giao các kế hoạch, các chỉ tiêu kế hoạch, trên cơ sở đó để thực hiện khen thưởng hoặc có chế tài nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Tất cả những việc này đều được cân đong, đo đếm bằng những con số và các tiêu chí cụ thể. Dự thảo Luật cũng quy định rõ chế tài đối với các doanh nghiệp không công khai hoặc chậm thông tin hoặc chưa nghiêm túc trong công khai thông tin.
Phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao tính tự chịu trách nhiệm
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự thảo Luật đã chỉnh lý, hoàn thiện quy định về người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, bảo đảm bao quát cả việc quản lý và đầu tư theo nguyên tắc ở đâu có vốn của Nhà nước thì ở đó phải có quản lý của Nhà nước với biện pháp và mức độ phù hợp.
Về phân cấp, theo đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM), Dự thảo Luật đã thể hiện quan điểm phân cấp rất mạnh cho hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, cơ quan đại diện chủ sở hữu quản lý trực tiếp doanh nghiệp, thể hiện tinh thần luật hóa các chủ trương, chỉ đạo về phân cấp, phân quyền của Đảng. Tuy nhiên, đại biểu Trần Anh Tuấn đề xuất, cần xem xét phân cấp mạnh hơn nữa ở một số nội dung mà Dự thảo Luật yêu cầu phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin chủ trương.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) băn khoăn về nội dung công khai thông tin hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước. Thực tế Luật 69 đã quy định về công bố thông tin nhưng việc công bố thông tin của các doanh nghiệp nhà nước chưa được thực hiện đồng bộ. Có doanh nghiệp tuân thủ rất tốt, nhưng cũng không ít doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc, không công bố hoặc công bố rất chậm. “Điều này có thể làm giảm hiệu quả giám sát của xã hội đối với các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công thiết yếu cho người dân. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các quy định về biện pháp để bảo đảm việc thi hành nghĩa vụ công bố thông tin. Có thể cân nhắc một số cơ chế như nêu tên hoặc xử phạt hành chính với doanh nghiệp thực hiện không đầy đủ, nghiêm túc các quy định về công bố thông tin”, bà Xuân đề xuất.
Từ góc độ khác, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) đề nghị làm rõ vai trò của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). SCIC vừa có chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước, vừa thực hiện hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, không phải là doanh nghiệp thông thường. “Đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét có quy định riêng đối với SCIC về cơ chế hoạt động, tài chính đầu tư”, ông Hiếu nói.
Liên quan đến SCIC, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, tại nhiều nước, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp của Nhà nước chỉ tham gia đầu tư góp vốn và rất thành công. Chẳng hạn, Tập đoàn Temasek của Singapore góp vốn vào nhiều tập đoàn, doanh nghiệp. Họ cũng đầu tư vào khu công nghiệp và các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, hầu hết đều hoạt động hiệu quả.
“Với SCIC, nếu đầu tư cho SCIC để cân nhắc tham gia góp vốn vào những ngành, những lĩnh vực, những doanh nghiệp có hiệu quả thì rất thuận lợi. Đây cũng là việc cần làm để tăng thu ngân sách cùng với các doanh nghiệp nhà nước hiện nay”, Bộ trưởng nhấn mạnh.