![]() |
Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng nhằm khuyến khích phát triển các phương tiện giao thông như xe điện, metro, hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ảnh: Nhã Chi |
Cân nhắc tác động doanh nghiệp
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho biết, về đối tượng chịu thuế là điều hòa nhiệt độ, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hôi (UBTVQH) thống nhất với đề xuất của Chính phủ theo hướng quy định điều hòa nhiệt độ có công suất trên 18.000 BTU đến 90.000 BTU thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Về việc bổ sung nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào diện chịu thuế TTĐB, UBTVQH thống nhất với đề xuất của Cơ quan soạn thảo chỉnh lý Dự thảo Luật theo hướng quy định lộ trình từ năm 2027 áp dụng thuế suất 8% và từ năm 2028 áp dụng thuế suất 10%.
Về thuế TTĐB với điều hòa nhiệt độ, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng việc bổ sung điều hòa nhiệt độ có công suất trên 18.000BTU vào đối tượng chịu thuế nhằm khuyến khích sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng, tạo sự đồng bộ với chính sách năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển sản phẩm thân thiện môi trường. Đồng thời, giúp tạo áp lực thị trường để các nhà sản xuất đầu tư thiết bị có năng suất, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xanh và phù hợp với xu hướng chung.
Tuy nhiên, theo ông Thông, quy định này cũng có thể tác động tới một số hoạt động, ngành nghề nhất định như các trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, công sở. Những cơ sở này sử dụng điều hòa nhiệt độ công suất lớn để phục vụ cho chức năng cộng đồng. Do vậy, ông Thông kiến nghị cân nhắc quy định, phân loại hợp lý có thể miễn hoặc là giảm thuế với thiết bị điều hòa nhiệt độ công suất lớn ở trong bệnh viện hay trong trường học, cơ sở y tế… phục vụ cho công vụ và dân sinh.
Với nước giải khát có đường, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) đồng tình việc bổ sung đối tượng này vào diện chịu thuế TTĐB để điều tiết hành vi tiêu dùng trước tình trạng đáng báo động về việc tiêu thụ nước ngọt của nhiều người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Vị ĐBQH này cho rằng, việc sử dụng nước ngọt phổ biến về lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thế hệ trẻ, cần có sự vào cuộc của Nhà nước để điều chỉnh.
Trong khi đó, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) lo ngại quy định này sẽ ảnh hưởng mạnh đến ngành sản xuất nước giải khát trong nước, nhất là các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa phải chịu gánh nặng tăng thêm chi phí, ảnh hưởng đến doanh thu và việc làm của người lao động.
Với mặt hàng xăng dầu, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đề nghị không tiếp tục quy định xăng là mặt hàng chịu thuế TTĐB để đúng với bản chất của thuế TTĐB là thuế đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ. “Xăng là mặt hàng thiết yếu trong đời sống của người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Mặt khác, xăng cũng đã thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường. Đề nghị trong trường hợp thấy cần thiết thì tăng giá trị tuyệt đối đánh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng và không đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế TTĐB để đúng với bản chất của loại hàng hóa này”, đại biểu Trường Giang nhấn mạnh.
![]() |
Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường sẽ được tiến hành theo lộ trình nhằm bảo đảm điều chỉnh hành vi tiêu dùng của người dân và tránh cú sốc cho doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang |
Điều tiết hành vi tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe và môi trường
Thay mặt cơ quan soạn thảo, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện nay một số nước đã đánh thuế TTĐB với điều hòa nhiệt độ với định hướng tiết kiệm năng lượng và liên quan đến chất làm lạnh gây hại tới môi trường, gây hại đến tầng ozon. Việt Nam cũng đã đánh TTĐB đối với mặt hàng này từ nhiều năm trước. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) quy định điều hòa nhiệt độ có công suất trên 18.000 BTU đến 90.000 BTU thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.
“Việc đánh thuế này là câu chuyện không chỉ của riêng Việt Nam. Với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 496/QĐ-TTg ngày 11/6/2024 về kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát. Kế hoạch này yêu cầu tới năm 2045, chúng ta hạn chế và không sản xuất, không nhập khẩu điều hòa không khí gia dụng, điều hòa không khí nguyên cụm sử dụng các chất HCFC và chất CFC, tức là những chất làm lạnh ảnh hưởng đến tầng ozon. Do đó, cần tiếp tục quan tâm việc đánh thuế TTĐB đối với điều hòa nhiệt độ.”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Về thuế TTĐB với nước giải khát có đường, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, cơ quan soạn thảo nhận được rất nhiều ý kiến, có ý kiến đề xuất cân nhắc áp thuế ở thời điểm này nhưng cũng có nhiều ý kiến yêu cầu phải áp thuế càng nhanh càng tốt và càng nhiều càng tốt.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có báo cáo rất chi tiết, cụ thể đối với các quốc gia, trong đó khuyến cáo Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ nước uống có đường ngày càng lớn và dẫn đến nguy cơ bệnh béo phì. Hiện nay, có 107 quốc gia đánh thuế TTĐB đối với mặt hàng này. WHO khuyến nghị tất cả các nước, trong đó có Việt Nam phải áp dụng thuế TTĐB tối thiểu là 20%.
“Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu theo hướng giãn thời hạn và giảm tỷ lệ áp dụng. Chúng tôi cũng sẽ rà soát để xem mặt hàng nào áp dụng từ 1/1/2026 và những mặt hàng nào lùi sang 1/1/2027 để vừa thực hiện được mục tiêu của Quốc hội nhưng đồng thời cũng tránh cú sốc đối với các doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ.
Về mặt hàng xăng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, mặt hàng này đã được áp dụng thuế TTĐB từ năm 1998. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại COP26 về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Với cam kết về môi trường như trên, mặt hàng xăng càng không thể không đánh thuế TTĐB. Mặt khác, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng đáng ngại, cần khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường hơn so với các phương tiện sử dụng xăng.