![]() |
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đã đề xuất bổ sung các ưu đãi đột phá liên quan đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ảnh: Nhã Chi |
Cần cơ chế kiểm soát thông minh
Thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 12/5, nhiều ĐBQH đánh giá các phương án về thuế suất phổ thông ưu đãi đối với DN nhỏ và vừa, DN đổi mới sáng tạo, ưu đãi đầu tư vào các lĩnh vực đặc biệt đã được rà soát kỹ lưỡng, cân đối giữa thông lệ quốc tế, cạnh tranh trong khu vực và sức chịu đựng của nền kinh tế.
Về chính sách miễn thuế đối với các khoản tài trợ cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, theo đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai), cần thiết kế một cơ chế kiểm soát rủi ro thông minh, thực hiện hậu kiểm chặt chẽ, truy thu nếu có vi phạm, ban hành tiêu chí rõ ràng, khả thi, khuyến khích kiểm toán độc lập và tăng cường chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan thuế và cơ quan giám sát chuyên ngành.
Về chính sách ưu đãi thuế đối với DN thuộc diện thuế tối thiểu toàn cầu, bà Hà cho rằng, cần chuyển từ mô hình ưu đãi trước - thu sau sang cơ chế hỗ trợ gián tiếp hợp lệ theo OECD, thông qua các quỹ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật theo hướng bổ sung tiêu chí định lượng cơ chế đánh giá định kỳ để kiểm soát hiệu quả các ưu đãi.
Theo ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ), Dự thảo Luật đã tiếp thu, bổ sung nhiều quy định về ưu đãi thuế trong các lĩnh vực khác. Ông Nam đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các luật đã ban hành và đang trình Quốc hội tại kỳ họp này để quy định đầy đủ ưu đãi về thuế thu nhập DN tại các luật khác trong Dự thảo Luật, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Một nội dung được tranh luận nhiều là thuế thu nhập DN với đơn vị sự nghiệp. ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, các đơn vị y tế, giáo dục công lập tự chủ dành phần thu nhập sau khi trừ chi phí để đầu tư phát triển, đầu tư hạ tầng nên việc áp thuế cho phần thu nhập này là chưa hợp lý. Ông Cường đề nghị các hoạt động cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục của các đơn vị công lập không thuộc đối tượng phải chịu thuế thu nhập DN, trừ những hoạt động liên doanh, liên kết với bên ngoài.
Tranh luận với ý kiến của ĐBQH Hoàng Văn Cường, ĐBQH Nguyễn Vân Chi (Nghệ An) làm rõ cách hiểu về tính thuế với đơn vị sự nghiệp công lập. Theo cơ chế hiện hành, các đơn vị sự nghiệp công lập chỉ nộp thuế đối với những khoản kinh doanh thêm như liên doanh liên kết với bên ngoài và chỉ thu với mức 2% trên phần thu nhập có được từ liên doanh liên kết, thu theo mức khoán tính trên doanh thu, còn không thu thuế đối với các khoản như viện phí, học phí mà bệnh viện hay trường thu được. Chính vì vậy, không tính đến khấu hao, không tính trên doanh thu trừ chi phí.
Ưu đãi đột phá nhưng tránh dàn trải
Phát biểu giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, cơ quan soạn thảo đã đề xuất bổ sung các ưu đãi đột phá so với quy định hiện hành liên quan đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Cụ thể, bổ sung "khoản tài trợ cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo chuyển đổi số" là khoản chi được khấu trừ khi tính thuế thu nhập DN; bổ sung "khoản chi cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong DN" là khoản chi được trừ khi tính thuế thu nhập DN…
Về bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của chính sách ưu đãi thuế, Dự thảo Luật bổ sung quy định, trường hợp các luật khác có quy định về ưu đãi thuế thu nhập DN khác với quy định của luật này thì thực hiện theo quy định của luật này.
Về ưu đãi thuế đối với lĩnh vực cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập, theo Luật Thuế thu nhập DN hiện hành, đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xác định được doanh thu và chi phí thì nộp thuế thu nhập DN như DN thông thường. Trường hợp đơn vị hạch toán được doanh thu nhưng không xác định được chi phí thì kê khai nộp thuế thu nhập DN tính theo tỷ lệ phần trăm trên toàn bộ doanh thu bán hàng, dịch vụ do Chính phủ quy định.
Đối với những dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí nhà nước nhưng giá dịch vụ chưa được tính đủ chi phí và ngân sách nhà nước vẫn hỗ trợ, thì không phải là hoạt động kinh doanh, tạo lợi nhuận. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Ban soạn thảo đánh giá đây là những hoạt động không tạo ra lợi nhuận, đặc biệt những dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng là dịch vụ cơ bản, thiết yếu có ảnh hưởng đến an sinh xã hội tác động đến toàn bộ người dân thì việc nộp thuế thu nhập DN là chưa phù hợp.
Do đó, cơ quan soạn thảo đã tính toán và đưa vào Dự thảo Luật 2 nội dung quan trọng. Một là, miễn thuế đối với thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập từ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, dịch vụ sự nghiệp công mà Nhà nước phải hỗ trợ bảo đảm kinh phí hoạt động do chưa tính đủ chi phí cung cấp dịch vụ công tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Hai là, đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ công ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được giảm 50% số thuế thu nhập DN đối với thu nhập từ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh Dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với thực tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị sự nghiệp. Đồng thời, bảo đảm không thất thoát thuế, không thất thoát ngân sách nhà nước”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.