![]() |
Quy chế phối hợp giữa Cục Thuế (Bộ Tài chính) và Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) được ký kết ngày 12/5 |
Cục Thuế cho biết, trên thực tế, việc gửi thông báo tạm hoãn xuất cảnh theo phương thức hành chính truyền thống như công văn giấy hoặc chuyển phát nhanh… có khả năng chậm trễ về thời gian và thiếu đồng bộ trong xử lý dữ liệu và làm phát sinh chi phí hành chính không cần thiết. Những yếu tố này phần nào làm giảm hiệu quả phối hợp liên ngành, gây khó khăn trong việc rà soát và xử lý nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân.
Trong những năm qua, cùng với quá trình hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội, công tác quản lý thuế đã đạt được nhiều bước tiến về thể chế, nghiệp vụ và công nghệ. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một bộ phận người nộp thuế (NNT) cố tình chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Một số trường hợp sau khi phát sinh nghĩa vụ thuế lớn hoặc có dấu hiệu vi phạm đã tìm cách xuất cảnh ra nước ngoài nhằm né tránh trách nhiệm.
Trước thực tiễn đó, yêu cầu đặt ra là phải tăng cường các biện pháp cưỡng chế thuế một cách có trọng tâm, đúng pháp luật và phù hợp với tình hình trên. Theo đó, ngành thuế đã chủ động rà soát, lựa chọn các công cụ pháp lý phù hợp để bảo vệ kỷ cương tài chính và đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Những năm gần đây, cùng với việc triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 49/2025/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành, ngành thuế đã đẩy mạnh việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với NNT là cá nhân, tổ chức chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế và bước đầu đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực.
Chính vì vậy, theo Cục Thuế, yêu cầu đặt ra là phải có một cơ chế phối hợp linh hoạt, hiện đại và đồng bộ về mặt công nghệ thông tin điện tử, để việc thực thi biện pháp tạm hoãn xuất cảnh thực sự phát huy vai trò như một công cụ pháp lý hữu hiệu, chính xác và mang tính răn đe cao trong hệ thống quản lý thuế hiện đại.
Do đó, Quy chế phối hợp giữa Cục Thuế (Bộ Tài chính) và Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) vừa ký kết được kỳ vọng đáp ứng kịp thời cho yêu cầu trên. Đây là hành động cụ thể hóa của cơ chế phối hợp pháp lý, kỹ thuật và trách nhiệm, nơi mà dữ liệu không chỉ là con số, mà là căn cứ pháp lý để đảm bảo thực thi nghiêm minh chính sách thuế, bảo vệ lợi ích Nhà nước và quyền lợi chính đáng của NNT tuân thủ.
Trên cơ sở Quy chế phối hợp mới, các thông tin liên quan đến biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nghĩa vụ thuế sẽ được trao đổi, xác minh và xử lý qua hình thức điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nợ thuế, đồng thời tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, chống thất thu ngân sách.