Đề án Thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM: Kỳ vọng thu hơn 3.000 tỷ đồng mỗi năm

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM tính toán có thể thu về khoảng 3.200 tỷ đồng/năm từ việc thu phí theo Đề án Thu phí công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Thành phố. Phần lớn nguồn thu này sẽ được đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối vào các khu vực cảng biển, vốn luôn trong tình trạng quá tải.

Nếu được HĐND TP.HCM thông qua trong kỳ họp tháng 12/2020, việc thu phí hạ tầng cảng biển của TP.HCM sẽ bắt đầu từ tháng 5/2021 tại cảng Cát Lái. Ảnh: Lê Tiên
Nếu được HĐND TP.HCM thông qua trong kỳ họp tháng 12/2020, việc thu phí hạ tầng cảng biển của TP.HCM sẽ bắt đầu từ tháng 5/2021 tại cảng Cát Lái. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều dự án khát vốn

Tại TP.HCM, hệ thống cảng biển được phân loại thành 4 khu bến chính gồm: khu bến cảng Cát Lái (7 bến cảng); khu bến cảng trên sông Sài Gòn (12 bến cảng), khu bến cảng Hiệp Phước (12 bến cảng), khu bến cảng Nhà Bè (11 bến cảng). Là khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.HCM coi hệ thống cảng biển là cốt lõi trong giao thương.

Tuy nhiên, hạ tầng giao thông kết nối cảng biển của TP.HCM chưa đáp ứng về chất lượng, tính đồng bộ. Tình trạng quá tải, kẹt xe, ùn ứ dẫn tới thiệt hại cho doanh nghiệp thường xuyên xảy ra và hiện chưa có giải pháp rốt ráo. Lý do lớn nhất chính là nhiều dự án giao thông tại các khu vực này đang “án binh bất động” vì thiếu vốn.

Đơn cử như cảng Cát Lái, khả năng đáp ứng 85 chuyến tàu cập bến mỗi tuần, song chỉ cho tiếp nhận 80 chuyến; cảng Phú Hữu; Hiệp Phước hiện mới chỉ khai thác khoảng 50% năng lực.

Theo Sở GTVT TP.HCM, tất cả các cảng biển tại TP.HCM đều đang ngổn ngang các dự án cần triển khai ngay nhằm giải tỏa năng lực khai thác. Cụ thể, khu vực cảng Cát Lái (Quận 2) và Phú Hữu (Quận 9) có nhiều dự án nhất, như mở rộng đường Nguyễn Thị Định, đường Nguyễn Duy Trinh, đường Võ Chí Công; hoàn chỉnh nút giao Mỹ Thủy, khép đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu (Quận 9) đến nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức)...

Tại khu cảng Sài Gòn (Quận 4) cần đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 để giảm ùn tắc nút giao Huỳnh Tấn Phát - Lưu Trọng Lư và Nguyễn Văn Linh. Đồng thời, mở rộng đường Lưu Trọng Lư kết nối cảng Tân Thuận với đường Nguyễn Văn Linh...

Phía cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) sẽ phải thực hiện Dự án Mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ, hoàn chỉnh nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, đồng thời, nghiên cứu xây dựng đường ven sông kết nối cảng dọc sông Soài Rạp...

“Chỉ dừng ở những dự án cơ bản, cấp bách nhất, nhu cầu vốn đã lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Nếu chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn cấp từ ngân sách thì không biết bao giờ mới cải thiện được tình hình”, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm khẳng định.

Dồn nguồn lực đầu tư hạ tầng

Tháng 8/2017, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho UBND TP.HCM thí điểm thu phí đảm bảo hàng hải luồng Soài Rạp và sử dụng toàn bộ kinh phí này để duy tu, nạo vét. Trong năm 2019 và 2020, Bộ GTVT giao dự toán chi ngân sách nhà nước nguồn kinh phí 65 tỷ đồng cho TP.HCM thực hiện nạo vét, duy tu luồng Soài Rạp.

Theo TP.HCM, cơ chế thu phí hạ tầng cảng biển đã triển khai nhiều tại các địa phương mạnh về cảng biển như Hải Phòng. Nếu được HĐND TP.HCM thông qua trong kỳ họp tháng 12/2020, việc thu phí tại Thành phố sẽ bắt đầu từ tháng 5/2021 tại cảng Cát Lái để đánh giá, rút kinh nghiệm và áp dụng thu phí cho toàn bộ cảng biển ở TP.HCM kể từ tháng 6/2021.

“Đề án kỳ vọng thu hơn 3.000 tỷ đồng mỗi năm để đầu tư hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc cho khu vực cảng biển là hoàn toàn có cơ sở”, đại diện Sở GTVT TP.HCM khẳng định.

Sở dĩ Sở GTVT TP.HCM tự tin với nguồn thu nói trên, bởi sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tại TP.HCM năm 2019 đạt khoảng 170 triệu tấn, chiếm hơn 1/4 trong tổng 600 triệu tấn của cả nước xuất qua cảng. Hệ thống cảng ở Thành phố có nhiều lợi thế về năng lực khai thác, gần các khu công nghiệp, chế xuất. Các tuyến sông Đồng Nai, Sài Gòn, Soài Rạp... có mạng lưới hàng hải quốc tế dày đặc, đáp ứng nhiều loại tàu thuyền ra vào. Đặc biệt, tính kết nối của các cảng biển tại TP.HCM rất cao.

Được biết, Đề án của TP.HCM có mức phí thấp nhất là 16.000 đồng mỗi tấn và cao nhất 4,4 triệu đồng với container 40 feet.

“Nguồn thu từ phí dịch vụ này sẽ được nộp vào ngân sách TP.HCM. Sở GTVT sẽ đề xuất ưu tiên nguồn lực đầu tư cho những công trình giao thông cấp bách kết nối hạ tầng cảng biển hiện đang quá tải. Những công trình này khi hoàn thành sẽ giải quyết rất lớn ùn tắc ở khu vực. TP.HCM sẽ công bố danh mục chi tiết các dự án đầu tư, trong đó đánh giá mức độ ưu tiên, thời gian, tiến độ hoàn thành từng dự án để thấy hiệu quả của việc sử dụng nguồn thu phí hạ tầng cảng biển”, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết.

Tin cùng chuyên mục