Đề nghị sửa đổi, bổ sung các luật liên quan công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chiều 21/7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 (Chương trình). Nhiều ý kiến đại biểu mong muốn đẩy nhanh việc trình Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để Quốc hội sớm thông qua, đưa vào thực tiễn. Việc sửa đổi, bổ sung một số luật không nằm trong Chương trình nhưng lại gắn với việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng được Quốc hội đặc biệt quan tâm.
Nhiều đại biểu quốc hội đề nghị, sửa đổi, bổ sung một số luật không nằm trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhưng lại gắn với việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Nhiều đại biểu quốc hội đề nghị, sửa đổi, bổ sung một số luật không nằm trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhưng lại gắn với việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Thảo luận kỹ lưỡng Luật Đất đai (sửa đổi) tại 3 kỳ họp

Báo cáo trước Quốc hội về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, đây là dự án luật phức tạp, có nội dung tác động lớn tới xã hội, cần nhiều thời gian để nghiên cứu, Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) dự kiến đưa Dự án Luật vào Chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) để thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) theo quy trình tại ba kỳ họp. Trong quá trình chuẩn bị, nếu chất lượng dự án tốt và tiến độ chuẩn bị nhanh hơn, UBTVQH hội sẽ trình Quốc hội xem xét đẩy nhanh tiến độ thông qua theo quy trình tại hai kỳ họp.

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nhấn mạnh, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được đề nghị cho ý kiến và thông qua tại 3 kỳ họp là sự thận trọng có cơ sở bởi tính phức tạp và nội dung rộng lớn của vấn đề.

Tuy nhiên, ở góc nhìn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang), Dự án Luật tới năm 2022 được lấy ý kiến 2 lần tại 2 kỳ họp, tới giữa năm 2023 mới được thông qua, và phải tới đầu năm 2024 Luật mới được thi hành. Sau đó, nếu chờ các văn bản hướng dẫn thi hành thì tới cuối nhiệm kỳ (2025) Luật mới thực sự đi vào cuộc sống. Trong khi đó, với những bất cập về đất đai cần phải được tháo gỡ kịp thời hiện nay, đại biểu Bé đề nghị nên đưa Dự án Luật xin ý kiến Quốc hội vào Kỳ họp thứ 2 (cuối năm 2021) để đẩy nhanh việc đưa Luật vào cuộc sống.

Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) cũng cho rằng, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nên được lấy ý kiến thông qua tại 3 kỳ họp và phải cố gắng đưa Luật được thông qua chính thức vào cuối năm 2022, thay vì đặt vấn đề có chuẩn bị kịp hay không. Quốc hội nên giao cho Chính phủ và các bộ, ngành nỗ lực thực hiện để thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ và các cơ quan làm luật đối với 1 vấn đề nóng bỏng và bất cập, nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.

Đề nghị bổ sung các luật liên quan tới phòng chống Covid-19

Tại nghị trường Quốc hội, vấn đề diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 cũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm và yêu cầu công tác xây dựng luật, pháp lệnh trong năm 2022, điều chỉnh năm 2021 cần bám sát yêu cầu thực tiễn này.

Theo đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh) đề nghị, Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, rà soát các luật, pháp lệnh (Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Đầu tư công, Đấu thầu...) để đánh giá. Nếu cần thiết, đề nghị Quốc hội sửa đổi bổ sung theo hướng 1 luật sửa đổi, bổ sung một số luật theo quy trình tại 1 kỳ họp để có cơ sở pháp lý giúp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình ban hành các quyết sách để ứng phó với dịch bệnh Covid-19.

Đại biểu Lê Xuân Thân nhấn mạnh: "Chúng ta sống trong thời kỳ phòng, chống Covid-19 và chưa biết tới bao giờ mới kết thúc. Do vậy, công tác xây dựng luật, pháp lệnh cần xem xét lại ngay việc đáp ứng yêu cầu thực tiễn".

Một số luật hiện chưa có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thời gian tới, nhưng lại rất cần thiết trong thời kỳ này như Luật Phòng bệnh và nâng cao sức khỏe nhân dân (trên cơ sở sửa đổi 2 luật là Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân và Luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm). Theo đại biểu Thân, nên xem xét đưa vào ngay việc triển khai xây dựng các luật này để đáp ứng yêu cầu phòng, chống Covid-19 hiện nay và bảo đảm công việc quản lý nhà nước đối với vấn đề này.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) kiến nghị cần sớm có văn bản của Quốc hội về phòng, chống dịch Covid-19, không chỉ liên quan tới các vấn đề mua sắm vật tư máy móc thiết bị phục vụ chống dịch mà còn là các vấn đề xử phạt, vấn đề nhân lực, tài chính, chính sách cho lực lượng y tế, bác sĩ tuyến đầu chống dịch đang vất vả tham gia cuộc chiến này.

Tiếp thu và giải trình thêm các ý kiến của các đại biểu quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đã và đang làm hết sức trong thẩm quyền, ban hành một số nghị quyết để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện phòng, chống dịch Covid-19; sắp tới Chính phủ cũng sẽ tiếp tục ban hành một số nghị quyết khác.

Chính phủ cũng đã tính toán việc chuẩn bị, trình Quốc hội sửa đổi bổ sung 1 số điều của các luật liên quan tới phòng chống Covid-19, thúc đẩy sản xuất kinh doanh... "Một số khó khăn, vướng mắc khi sửa đổi, bổ sung các luật này cần được tính toán kỹ lưỡng, nhiều khi không phải do quy định của pháp luật chồng chéo, cần sửa đổi mà do khâu tổ chức thực hiện", Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.

Tin cùng chuyên mục