Ảnh minh họa: Internet |
Đòi hỏi khung đánh giá bao trùm
Việt Nam thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều yếu tố thuận lợi và thách thức đan xen, diễn biến khó lường. Trong khi đó, mô hình tăng trưởng hiện tại bộc lộ một số khó khăn, hạn chế: Động lực tăng trưởng truyền thống của nền kinh tế trong nhiều năm qua dựa vào vốn đầu tư và công nghiệp khai khoáng đã không còn nhiều dư địa; một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tỷ lệ đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế nhưng giá trị gia tăng tạo ra vẫn còn thấp; chất lượng tăng trưởng còn hạn chế; năng lực cạnh tranh yếu, năng suất lao động thấp…
Bởi vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, bối cảnh này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với việc tái cơ cấu nền kinh tế, hướng tới chất lượng và hiệu quả, qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của tổng thể nền kinh tế. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của tổng thể nền kinh tế rất cần một thước đo.
Hơn nữa, 5 nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 khá nặng nề, bao gồm: Cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng; cơ cấu lại ngân sách nhà nước, khu vực công; phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài; hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; hình thành đồng bộ và phát triển các loại thị trường gồm thị trường tài chính, thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.
Các nhiệm vụ này đòi hỏi phải có một thước đo đánh giá mới phù hợp, tiếp cận bao trùm, bảo đảm giám sát tiến trình, báo cáo được kết quả thực hiện các nội dung và nhiệm vụ đã đặt ra, từ đó làm cơ sở cho các nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh kế hoạch, đề xuất nội dung và nhiệm vụ cho giai đoạn mới.
Đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ, kinh nghiệm nhiều nước như Canada, Bồ Đào Nha, Singapore… cho thấy, nhờ áp dụng “thước đo” giám sát, đánh giá quá trình tái cơ cấu kinh tế, họ đã tập trung giải quyết những khó khăn cụ thể gặp phải nhằm khai thông thị trường, tạo điều kiện cần thiết cho doanh nghiệp phát triển.
Có tính khả thi cao
Về hướng tiếp cận của Khung chỉ tiêu giám sát, đánh giá quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ quan đề xuất cho rằng, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 là kế hoạch tổng thể, gồm nhiều nội dung, nhiệm vụ, được thực hiện dưới nhiều đề án, chương trình khác nhau, do nhiều bộ, ngành đề xuất. Để bảo đảm thực hiện kế hoạch tổng thể thành công đòi hỏi giám sát, đánh giá thường xuyên đối với từng đề án, chương trình và thực hiện điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết.
Theo đề xuất, Khung chỉ tiêu hiện bao gồm 76 chỉ tiêu. Trong đó, 9 chỉ tiêu phản ánh tình hình kinh tế - xã hội vĩ mô; 12 chỉ tiêu phản ánh thực hiện nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất; 6 chỉ tiêu phản ánh thực hiện nhiệm vụ trọng tâm thứ hai; 9 chỉ tiêu phản ánh thực hiện nhiệm vụ trọng tâm thứ ba; 25 chỉ tiêu phản ánh thực hiện nhiệm vụ trọng tâm thứ tư; 15 chỉ tiêu phản ánh thực hiện nhiệm vụ trọng tâm thứ năm.
Khung chỉ tiêu được xây dựng dựa trên nguyên tắc chính là: Các chỉ tiêu giám sát, đánh giá phải phù hợp với 5 nội dung tái cơ cấu trọng tâm; bảo đảm tính khả thi, đồng bộ với các hệ thống chỉ tiêu thống kê khác và bảo đảm khả năng phân tích; bảo đảm nguyên tắc đơn giản, cụ thể; có thể đo lường; có thể tiếp cận; tương thích; và kịp thời.
Nhìn nhận về tính khả thi của Khung chỉ tiêu đề xuất, ông Đinh Trọng Thắng thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, khung chỉ tiêu này có tính khả thi cao. Lý do là, thực tế, chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc xây dựng các hệ thống chỉ tiêu thống kê và khung chỉ tiêu phục vụ giám sát, đánh giá các mục tiêu phát triển nên việc áp dụng Khung chỉ tiêu bảo đảm tính khả thi và thống nhất với các hệ thống chỉ tiêu khác. Đặc biệt, thông qua các kết quả của Khung chỉ tiêu, kết quả của quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng được hiển thị rõ ràng, từ đó có thể có những hướng đi, chính sách phù hợp.