Ảnh minh họa |
Theo quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP hiện hành, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách phải có số lượng phương tiện tối thiểu theo quy định.
Cụ thể, từ ngày 1/7/2016, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định từ 300 km trở lên, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt phải có số lượng phương tiện tối thiểu từ 20 xe trở lên đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương; đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các địa phương còn lại: từ 10 xe trở lên; riêng đơn vị có trụ sở đặt tại huyện nghèo theo quy định của Chính phủ: từ 5 xe trở lên.
Từ ngày 1/1/2016, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có số xe tối thiểu là 10 xe; riêng đối với đô thị loại đặc biệt phải có số xe tối thiểu là 50 xe.
Từ ngày 1/1/2017, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch vận chuyển hành khách trên hành trình có cự ly từ 300 km trở lên phải có số lượng xe tối thiểu từ 10 xe trở lên đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương; đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các địa phương còn lại: từ 5 xe trở lên, riêng đơn vị có trụ sở đặt tại huyện nghèo theo quy định của Chính phủ: từ 3 xe trở lên. Quy mô lượng xe như trên cũng được áp dụng cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công - ten - nơ; đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa sử dụng xe đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe ô tô vận tải hàng hóa trên hành trình có cự ly từ 300 km trở lên từ ngày 1/7/2017.
Qua quá trình thực hiện, có ý kiến cho rằng đây là quy định chưa hợp lý, sẽ cản trở tính cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường vận tải. Theo phân tích của một số chuyên gia, quy định về điều kiện số lượng tối thiểu phương tiện mà doanh nghiệp phải đáp ứng khi tham gia vào hoạt động kinh doanh sẽ dẫn tới hệ quả chỉ những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính thì mới được quyền tham gia vào hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, quy mô, năng lực tài chính của doanh nghiệp không phải là “bảo chứng” trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn của phương tiện khi lưu thông.
Bộ Giao thông vận tải đề xuất không đưa quy định này vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP.
Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.