Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm về Dự án Hồ chứa nước Ka Pét tại Bình Thuận. Ảnh: Vũ Quang Khánh |
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là dự án có quy mô nhỏ, thuộc nhóm B, việc giao lại cho UBND tỉnh Bình Thuận lập, thẩm định và phê duyệt Dự án sẽ thuận lợi và nhanh hơn, đáp ứng được hiệu quả Dự án.
Thảo luận tại Quốc hội, đa số ý kiến các đại biểu đều đồng thuận cao với sự cần thiết đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, bởi đây là công trình thủy lợi đa mục tiêu, không chỉ giải quyết nước tưới cho 7.762 ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó có 1.436 ha đất sản xuất của 1.160 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, cấp nước thô cho các khu công nghiệp trên địa bàn mà còn giải quyết nước sinh hoạt cho 12 vạn dân của huyện Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết. Đồng thời còn cắt giảm lũ cho lưu vực sông Cà Ty và điều tiết nước cho vùng hạ du của huyện Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng trên 585 tỷ đồng, nhưng phải chuyển đổi mục đích sử dụng khoảng trên 162 ha rừng đặc dụng, nên thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Thời gian thực hiện Dự án dự kiến là 5 năm.
Về thời gian thực hiện Dự án, theo đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai), với nguồn vốn đầu tư không lớn, bồi thường giải phóng mặt bằng cơ bản thuận lợi, không có tranh chấp mà thời gian kéo dài 5 năm sẽ chậm phát huy tác dụng. Ông Vượt nhấn mạnh, cần xem xét rút ngắn thời gian hoàn thành xuống khoảng 3 - 4 năm. Đồng thời, chủ động lập các dự án sản xuất để phát huy hiệu quả khi hồ này được đưa vào sử dụng, vì hiện có 2.322 ha trong số 7.762 ha đất canh tác chưa lập dự án sản xuất.
Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Tống Thanh Bình (đoàn Lai Châu) cho rằng, thời gian thực hiện Dự án là khá dài. Để đảm bảo hiệu quả công trình được phát huy sớm nhất có thể, ông Bình đề xuất thời gian hoàn thành Dự án giảm xuống, có thể là 3 năm.
Cùng với các đề xuất giảm thời gian thực hiện Dự án, nhiều đại biểu cũng đồng thuận với đề xuất của Chính phủ về việc giao cho UBND tỉnh Bình Thuận lập thẩm định, quyết định đầu tư Dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công đối với dự án nhóm B.
Đại biểu Đinh Duy Vượt đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù, giao cho tỉnh Bình Thuận chủ động tổ chức thực hiện, góp phần đẩy nhanh tiến độ Dự án, đồng thời phải chịu trách nhiệm toàn diện, nhất là về chất lượng, tiến độ, hiệu quả Dự án.
Đại biểu Lưu Văn Đức (đoàn Đắk Lắk) nhấn mạnh, việc cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, cơ chế đặc biệt trong tổ chức thực hiện Dự án Hồ chứa nước Ka Pét sẽ giảm bớt được thủ tục hành chính, đảm bảo hiệu quả kinh tế của Dự án.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu nêu. Về thời gian thực hiện Dự án, theo tính toán, Chính phủ đề xuất 5 năm. Tuy nhiên, các ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc rút ngắn thời gian thực hiện Dự án là rất xác đáng và Chính phủ sẽ tiếp thu, chỉ đạo UBND tỉnh Bình Thuận tập trung bố trí đủ nguồn lực và tổ chức triển khai nhanh Dự án đưa vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả tốt nhất.
Đối với đề xuất giao UBND tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải, theo quy định của Luật Đầu tư công, Dự án sau khi được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư thì giao lại cho Thủ tướng Chính phủ để lập, thẩm định và quyết định đầu tư. Tuy nhiên, đây là một dự án có quy mô nhỏ thuộc nhóm B và thuộc công trình cấp 2. Dự án cũng đã có phương án trồng rừng thay thế. Tỉnh Bình Thuận đã có kinh nghiệm đầu tư và xây dựng các công trình, dự án thủy lợi kiểu như thế này. Pháp luật về nông, lâm nghiệp cũng không có những điều cấm hay có những quy định riêng. Dựa trên những phân tích này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc giao Dự án cho tỉnh Bình Thuận sẽ thuận lợi và nhanh hơn, đáp ứng được hiệu quả Dự án.
Để hoàn thiện hồ sơ Dự án, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Chính phủ sẽ phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội rà soát và chỉnh sửa Dự thảo Nghị quyết phê chuẩn chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét phù hợp với các pháp luật liên quan, phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư công.
Theo Chương trình Kỳ họp, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết trên vào ngày 26/11/2019.