Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Theo đề xuất của Bộ GTVT, Dự án có điểm đầu (Km0) giao với Quốc lộ 1 tại khoảng Km1829+500, trùng với điểm cuối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, thuộc địa phận thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối (Km60+243.83), vượt qua vị trí giao cắt với Quốc lộ 20 (tại khoảng Km69+400 - Quốc lộ 20) khoảng 200 m, thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Tổng chiều dài cao tốc khoảng 60,24 km, đi qua địa bàn các huyện: Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Trong giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú được đầu tư theo quy mô 4 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường 24,75 m, vận tốc thiết kế 100 km/h, có làn dừng khẩn cấp. Phân kỳ giai đoạn 1, tuyến có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, tốc độ khai thác 80 km/h, khoảng 4 - 5 km bố trí một vị trí dừng xe khẩn cấp (theo chiều xe chạy).
Tại các vị trí nút giao liên thông, nền đường đào sâu, điểm dừng xe khẩn cấp thiết kế mặt cắt ngang theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh với chiều rộng nền đường 24,75 m.
Với quy mô xây dựng như trên, Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư là 8.776 tỷ đồng.
Dự án có mức giá khởi điểm dự kiến khoảng 1.700 đồng/xe nhóm 1/km. Mức giá dịch vụ giữa các nhóm xe còn lại so với xe nhóm 1 được xác định theo hệ số tương quan giữa các nhóm xe, trong đó hệ số xe nhóm 2 là 1,3 lần, xe nhóm 3 là 1,7 lần, xe nhóm 4 là 2,7 lần và xe nhóm 5 là 3,8 lần.
Thời gian khai thác (thu phí) của nhà đầu tư là 27 năm (sẽ được xác định cụ thể trong bước đàm phán, ký kết hợp đồng dự án). Hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.