Đề xuất Quốc hội xem xét giám sát sử dụng vốn trái phiếu chính phủ

Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung giám sát, trong đó có giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đại biểu Quốc hội, giám sát nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để tìm ra giải pháp sử dụng có hiệu quả
Theo đại biểu Quốc hội, giám sát nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để tìm ra giải pháp sử dụng có hiệu quả

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV đang diễn ra, khi trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề dựa trên các tiêu chí là những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm…

Về số lượng chuyên đề giám sát, căn cứ tình hình thực tế, yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội, trong năm 2018, đề nghị Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp trong năm; Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại phiên họp tháng 8 và tháng 9/2018; Hội đồng Dân tộc giám sát không quá 3 chuyên đề, mỗi Ủy ban của Quốc hội giám sát không quá 2 chuyên đề...

Liên quan đến đề xuất nội dung giám sát chuyên đề, trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến, kiến nghị của các cơ quan, ông Phúc cho hay, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung:

Thứ nhất là thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (dự kiến giao Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì nội dung này).

Thứ hai, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội. Dự kiến giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội chủ trì nội dung này.

Thứ ba, việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Thứ tư, thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Khi thảo luận nên chọn vấn đề nào để giám sát, nhiều đại biểu cho rằng cần giám sát việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

“Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư còn dàn trải, nên cần giám sát để tìm ra giải pháp để sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài có hiệu quả…”, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) đề xuất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (đại biểu đoàn Lai Châu) cho rằng, 2 trong 4 nội dung là giám sát cổ phần hóa và giám sát quản lý, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài, đã từng thực hiện giám sát.

“Vì vậy, đề nghị nên cân nhắc giám sát ở tầm rộng hơn. Theo đó, cần tập trung giám sát vào lĩnh vực quan trọng là giám sát việc sử dụng vốn ODA, bởi việc sử dụng nguồn vốn này đã bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém trong quản lý…”, ông Hiển đề xuất.

Tin cùng chuyên mục