Ưu tiên sử dụng vốn dự phòng chung để bố trí thực hiện nhiệm vụ lập, thẩm định, công bố các quy hoạch chung của quốc gia. Ảnh: Lê Tiên |
Theo báo cáo của Chính phủ, Quốc hội đã quyết định sử dụng 29,033 nghìn tỷ đồng, gồm 15 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) cho các dự án giao thông đường bộ, đường sắt cấp bách theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 và 14,033 nghìn tỷ đồng vốn nước ngoài để quyết toán cho các dự án ODA từ kế hoạch các năm 2015 trở về trước theo Nghị quyết số 49/2017/QH14. Sau khi trừ đi số đã sử dụng này, trên cơ sở số vốn thu hồi về dự phòng chung 1.180 tỷ đồng vốn đã bố trí cho Dự án Hầm Đèo Cả theo Nghị quyết số 439/NQ-UBTVQH, 15,682 tỷ đồng vốn TPCP các bộ, ngành, địa phương không bố trí hết cho các dự án và khoản 10 nghìn tỷ đồng không bố trí cho Dự án Chống ngập TP.HCM, thì số vốn dự phòng còn lại tính đến thời điểm tháng 8/2018 là 182.161,887 tỷ đồng. Việc sử dụng vốn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn áp dụng theo nguyên tắc chỉ sử dụng sau khi các bộ, ngành, địa phương đã sử dụng hết số vốn dự phòng tại bộ, ngành, địa phương theo đúng các nguyên tắc, tiêu chí.
Trong báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 28 vừa qua, Chính phủ đã nêu rõ tiêu chí, thứ tự ưu tiên sử dụng vốn dự phòng này. Trong đó, ưu tiên đầu tiên sử dụng vốn dự phòng chung là bố trí vốn để thực hiện nhiệm vụ lập, thẩm định, công bố các quy hoạch chung của quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch, gồm: Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia và Quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.