Địa phương đua bổ sung dự án điện, chuyên gia lo ngại

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, đến thời điểm này có khoảng 50 địa phương gửi đề xuất bổ sung 471.000 MW điện gió và khí vào Quy hoạch điện VIII đang trong quá trình hoàn thiện. Nhiều chuyên gia lĩnh vực năng lượng tỏ ra khá lo ngại trước những đề xuất này.
Có khoảng 50 địa phương gửi đề xuất bổ sung 471.000 MW điện gió và khí vào Quy hoạch điện VIII. Ảnh: Anh Tuấn
Có khoảng 50 địa phương gửi đề xuất bổ sung 471.000 MW điện gió và khí vào Quy hoạch điện VIII. Ảnh: Anh Tuấn

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay, sau khi Văn phòng Chính phủ có công văn gửi các địa phương yêu cầu báo cáo tổng hợp đề xuất bổ sung nguồn điện và lưới điện chưa được phê duyệt để Bộ Công Thương tổng hợp, chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến với các địa phương của Chính phủ, Bộ đã nhận được hàng loạt đề xuất.

Tính đến thời điểm này, đã có khoảng 50 địa phương gửi đề xuất bổ sung nguồn điện gió và khí vào Quy hoạch điện VIII. Tổng công suất nguồn điện mới được các địa phương đề nghị đầu tư trong giai đoạn tới lên tới hơn 471.000 MW.

Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh đề xuất đưa vào Quy hoạch điện VIII khoảng 5.000 MW điện gió, trong đó 3.000 MW là điện gió ngoài khơi, 2.000 MW điện gió trên bờ. Đồng thời, Tỉnh cũng đề xuất Bộ Công Thương xem xét, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiến độ đầu tư Nhà máy Điện khí LNG 1.500 MW giai đoạn 2 đi vào vận hành năm 2026 - 2027, đồng bộ với Dự án Điện khí giai đoạn 1.

UBND TP. Hải Phòng đề xuất đưa 3.900 MW điện gió ngoài khơi vào Quy hoạch điện VIII. Dự án được đề xuất là Dự án Điện gió ngoài khơi Hải Phòng do Công ty Orsted Taiwan Ltd. và Công ty CP Tập đoàn T&T đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến 261.000 tỷ đồng.

Tỉnh Thái Bình đề xuất đưa vào Quy hoạch 3 dự án điện gió trên bờ và ngoài khơi với tổng công suất 8.700 MW, cùng Dự án Trung tâm Điện - Khí LNG Thái Bình, tổng công suất khoảng 4.500 MW.

Các địa phương được xem là có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo cũng không nằm ngoài cuộc đua đề xuất bổ sung dự án điện. Đơn cử, Ninh Thuận đề nghị bổ sung vào Quy hoạch điện VIII tổng công suất 42.595 MW nguồn điện mới; Bình Thuận đề xuất bổ sung gần 30.000 MW nguồn điện mới…

Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng, con số đề nghị bổ sung hơn 470.000 MW nguồn điện nêu trên vượt xa so với nhu cầu và có khả năng cao gấp 3 lần kế hoạch dự kiến đưa ra tại Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã được hoàn thiện trong tháng 11/2021.

Được biết, Dự thảo Quy hoạch điện VIII được thống nhất tại Hội nghị lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch điện VIII trong tháng 11 vừa qua xác định tổng công suất phát triển nguồn điện đến năm 2030 là khoảng 155.000 MW.

Trước đề xuất của các địa phương, TS. Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia về năng lượng lo lắng: “Đây là đề xuất có tính rủi ro rất lớn cho an ninh năng lượng quốc gia và cho nền kinh tế”.

Ông Sơn chỉ ra, đề xuất bổ sung hơn 470.000 MW nguồn điện của các địa phương không căn cứ vào các cơ sở kinh tế, kỹ thuật, không dựa trên căn cứ quy hoạch về phụ tải, nhu cầu điện.

Chưa hết, theo ông Sơn, nếu 471.000 MW này bổ sung vào Quy hoạch trong khi hạ tầng chưa đáp ứng thì hệ thống lưới điện sẽ bị rã lưới ngay lập tức. Nguy cơ mất an ninh năng lượng về điện sẽ xảy ra.

“Quy hoạch hệ thống điện là quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, do đó phải được tính toán, cân nhắc cẩn trọng trên cơ sở kỹ thuật, kinh tế”, ông Sơn nhấn mạnh và cho biết, theo các kế hoạch phát triển kinh tế thì nhu cầu của nền kinh tế trong giai đoạn tới chưa cần nhiều năng lượng tới mức như vậy.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương cho biết, việc bổ sung nguồn điện như thế nào trong tổng thể bài toán ngành điện không đơn giản. Do đó, cần tính toán, cân nhắc đến các điều kiện kỹ thuật, xem xét các yếu tố ràng buộc như: nhu cầu cụ thể từng khu vực là bao nhiêu, nguồn cung đảm bảo an ninh năng lượng như thế nào?…

Một số chuyên gia khác cho rằng, nếu muốn bổ sung dự án điện vào Quy hoạch phải có báo cáo nghiên cứu khả thi (tức là có báo cáo đầu tư đã được phê duyệt) chứ không phải báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nhằm đảm bảo thực hiện các kế hoạch, mục tiêu phát triển, tránh gây nên những rủi ro đối với nền kinh tế. Bộ Công Thương phải hết sức cẩn trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng trước những đề xuất kiểu như thế này của các địa phương, bởi đây là trách nhiệm của Bộ trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển đất nước.

Tin cùng chuyên mục