Sau khi Mỹ rút, Nhật Bản là một trong những nước mạnh mẽ ủng hộ ký kết TPP. |
Chia sẻ với PV, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, cơ quan này đang cùng các bộ, ngành hoàn tất quy trình pháp lý trong nước, chuẩn bị cho lễ ký kết Hiệp định thương mại "TPP không có Mỹ" tại San Diego, Chile vào ngày 8/3.
Sau khi Mỹ tuyên bố rút, TPP mới có tên gọi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với sự tham gia của 11 nước. CPTPP cơ bản vẫn giữ nguyên nội dung của TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới.
Cũng theo ông Thái, giống như TPP, CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao. Hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.
Ngoài đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại..., hiệp định này còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước.
Riêng về mở cửa thị trường, 11 thành viên tham gia đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước...
Với Việt Nam, lãnh đạo Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho hay, hiệp định này sẽ đem lại lợi ích cụ thể trên nhiều khía cạnh. Về chính trị - đối ngoại, CPTPP sẽ là tập hợp có ý nghĩa của các nước trong khu vực, có khả năng đem lại các lợi ích và lợi thế thiết thực, từ đó tác động để các nước cân nhắc tham gia CPTPP, thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Dù không còn Mỹ, thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, việc tham gia CPTPP giúp hàng hoá Việt Nam có cơ hội vào những thị trường lớn khác như Nhật Bản, Canada, Australia... "Quan trọng hơn, hiệp định này giúp chúng ta cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Đây mới là các lợi ích mang tính lâu dài", ông Thái đánh giá.
Là hiệp định có tính mở, CPTPP mang lại lợi ích với tất cả 11 thành viên tham gia, nhưng là nước tham gia từ đầu nên Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.
Sau khi hiệp định được ký, quy trình phê chuẩn sẽ bắt đầu. TPP mới sẽ có hiệu lực nếu ít nhất 6 thành viên phê chuẩn. Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn hiệp định này.
Hiệp định TPP ban đầu (có Mỹ) được coi là sáng kiến mang tính bước ngoặt cho việc thiết lập tiêu chuẩn với các quy định thương mại và đầu tư, trong bối cảnh Trung Quốc nổi lên là cường quốc trong khu vực. Dù vậy, hiệp định từng bị đẩy đến bờ vực sụp đổ khi Tổng thống Mỹ - Donald Trump tuyên bố Mỹ rút đầu năm ngoái.